Ngày 15/4, cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được 15 ngày. Những ngày tiếp theo có vẻ "dễ thở" hơn với những người dân ở các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ, nguy cơ thấp.
Theo Forbes, có 4 yếu tố để xác định việc nên duy trì thời gian giãn cách xã hội trong bao lâu, gồm: khi có đủ miễn dịch cộng đồng, có vaccine hiệu quả, nếu tình trạng lây nhiễm giảm và virus biến đổi. Khi cả 4 yếu tố vẫn chưa được đảm bảo, giãn cách xã hội vẫn được xem là giải pháp tối ưu mà nhiều quốc gia lựa chọn để giảm số ca lây nhiễm và là cách đối phó hiệu quả với dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chỉ cần 1 phút lơi lỏng, rất dễ bị "vỡ trận", xóa đi thành quả mà cả nước, cả hệ thống chính trị đã dày công thực hiện trong suốt mấy tháng qua. Tuy nhiên, trong thực tế, "trên thì nóng, dưới lại lạnh", vẫn còn một bộ phận người dân ỷ y, lơ là. Thậm chí, giờ đây bộ phận dễ chủ quan nhất không chỉ là giới trẻ mà có cả những đối tượng nguy cơ cao, đó là người lớn tuổi.
Một lao động bị nhiễm COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến gia đình của người đó mà còn khiến hoạt động sản xuất ngưng trệ, kinh tế bị ảnh hưởng, chính người lao động phải gánh chịu thiệt hại. Dịch bệnh sẽ chấm dứt khi có vaccine, nhưng đến thời điểm này trên thế giới vẫn chưa biết khi nào sẽ có vaccine. Trong khi chờ đợi, mỗi người dân cần phải chuyển sang trạng thái đời sống mới, sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, không nghĩa là người dân chủ quan mà cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, thực hiện nghiêm quy định để bảo vệ an toàn cho chính đời sống của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!