Giãn cách xã hội là biện pháp cần thiết để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/04/2020 19:46 GMT+7

VTV.vn - Ai cũng mong hết dịch bệnh để quay trở lại nhịp sống bình thường nhưng khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người cho biết sẽ nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị 16.

Hà Nội những ngày giãn cách xã hội

Chiều 13/4, nhiều báo mạng phản ánh cảnh người dân Hà Nội đổ xuống hầm đi bộ để tập thể dục, có người tập một mình nhưng cũng nhiều nhóm đông đúc. Ngay lập tức, phường Ngã Tư Sở phối hợp với đơn vị quản lý hầm phải cử lực lượng túc trực, nhắc nhở người dân.

Chuyện lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân cũng diễn ra phổ biến. Chợ dân sinh là nơi được phép mở cửa trong những ngày giãn cách xã hội nhưng người đi chợ đôi khi lại quên mất quy dịnh giữ khoảng cách 2m.

Cũng khó trách vì thói quen đi chợ phải sờ tận tay, xem tận mắt, mặc cả… nhưng khi được hỏi về thực hiện giãn cách xã hội, mọi người đều rất hiểu và đồng tình.

Giao thông có lẽ là điểm khác biệt rõ nhất trong những ngày này. Nhiều tuyến đường vốn thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm thì nay lại thông thoáng. Chất lượng không khí ở Hà Nội nhờ vậy cũng được cải thiện đang kể.

Đeo khẩu trang kiểu đối phó

Bên cạnh sự hợp tác của người dân, vẫn còn một bộ phận nhỏ thực hiện các biện pháp chỉ mang tính đối phó như việc đeo khẩu trang. Quên không đeo đã là một nhẽ, có người lại còn đeo... cho cổ.

Tại các khu chợ ở thành phố Nha Trang, rất hiếm người đeo khẩu trang đúng cách. Khẩu trang không che mũi, miệng, lúc nói chuyện hay hút thuốc lại bỏ ra. Đáng nói là mặc dù quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng đã được thực hiện từ nửa tháng nay nhưng nhiều người dân vẫn rất chủ quan, chỉ kéo khẩu trang lên khi được nhắc nhở. Một phần là do thói quen khó bỏ.

Có thể thấy tâm lý chủ quan vẫn xuất hiện ở một bộ phận người dân. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân nên nghiêm chỉnh thực hiện quy định để phòng dịch cho chính bản thân mình và cộng đồng.

Đà Nẵng sau 15 ngày giãn cách xã hội

Đà Nẵng là một trong những thành phố đông đúc, nhộn nhịp. 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, một nếp sống mới đã hình thành.

Những đêm đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, thói quen dạo bộ, tập thể dục ban đêm trên biển của nhiều người dân Đà Nẵng dường như bị gián đoạn. Hầu hết những người yêu biển đều chấp hành quy định không tụ tập đông người để phòng, chống dịch bệnh. Đường phố Đà Nẵng những ngày vừa qua rất vắng người. Với những ai có việc cần thiết phải ra ngoài, chiếc khẩu trang là vật dụng không thể thiếu.

Những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người lo ngại cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn. Nhưng chống dịch là chống giặc, chúng ta đang ở trong thời chiến. Vì vậy, nhiều người đã bỏ qua những thói quen của cá nhân để tuân thủ những quy định chung. Mặc dù đâu đó vẫn còn những người chống đối, vi phạm nhưng 15 ngày vừa qua là quãng thời gian mà ý thức công dân, trách nhiệm công đồng, sự tuân thủ pháp luật của người dân đạt ở mức độ cao nhất.

Mục tiêu cao nhất trong việc giãn cách xã hội là chặn đứng con đường lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng. Tại Đà Nẵng, 15 ngày vừa qua không có thêm bệnh nhân mới nào nhiễm COVID-19. Cũng 15 ngày qua, cả nước chỉ phát hiện chưa đầy 60 người mắc bệnh, trong đó một nửa là trong cộng đồng. Hai ổ dịch nguy hiểm trong cộng đồng tại Hà Nội và TP.HCM đã được khống chế. Có thể nói, giãn cách xã hội 15 ngày qua đã làm chậm giai đoạn bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng cuộc sống người dân sẽ sớm trở lại bình thường. Có thể nói, với nhiều người, qua gần 4 tháng phòng, chống dịch bệnh và 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội là quãng thời gian hữu ích, tạo dựng thói quen bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 này.

An toàn phòng dịch từ bữa ăn ca

Trong 15 ngày qua, chủ trương của Chính phủ là làm sao vừa đảm bảo giãn cách xã hội, vừa đảm bảo sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm sáng tạo và khá phù hợp trong tình hình hiện nay.

Thay vì ăn tập trung một bữa, hiện tại, giờ ăn ca tại một nhà máy ở Hải Dương chia làm nhiều khung giờ khác nhau nên không còn cảnh đổ dồn về nhà ăn như trước.

Dù trời mưa và đói bụng sau ca sáng nhưng các lao động chấp hành việc xếp hàng cách xa nhau 2m khi vào nhà ăn. Những tấm chắn hạn chế công nhân giao lưu nhưng không ai phàn nàn vì hiểu nó bảo vệ sức khỏe của họ. Không giao lưu lại rút ngắn thời gian ăn ca chỉ còn 10 - 15 phút thay vì 30 phút như trước và tăng thời gian nghỉ ngơi trước khi vào ca mới.

Nhà ăn trước có thể chứa 3.000 lao động cùng ăn thì mỗi bữa bây giờ chỉ phục vụ không quá 400 suất. Hơn 1 tháng qua, mỗi bữa ăn ca trước đây được chọn 5 thực đơn, giờ chỉ còn 2 thực đơn. Công nhân không tự lấy món ăn như trước mà chọn và nhận cả suất ăn. Toàn bộ nhân viên công ty dịch vụ phải đảm bảo đầy đủ trang phục phòng hộ trong suốt giờ ăn ca. Đây là yêu cầu của công ty vì bên cung cấp dịch vụ an toàn thì người lao động mới an toàn.

Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, doanh nghiệp còn lên phương án nếu phát hiện thực phẩm không vệ sinh sẽ hủy toàn bộ suất ăn và chọn nguồn cung cấp khác ngay lập tức.

Với 22.000 lao động tại đây, an toàn mỗi bữa ăn ca còn có sự giám sát của công đoàn và 3 bác sĩ tại doanh nghiệp. Tại đây, chưa bao giờ ở đây xảy ra ngộ độc thực phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước