Những hậu quả đáng lo ngại khi cuộc sống biến đổi cùng khí hậu

Hoàng Yến - Thủy Tiên - Như Thủy (VTV9)Cập nhật 22:30 ngày 16/11/2019

VTV.vn - Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy và chúng ta có thể thấy các hậu quả này qua những số liệu đáng giật mình diễn ra trong 40 năm nay.

Vào 40 năm trước, Trái đất có hơn 4 tỷ người. Dân số loài người trung bình mỗi 10 năm tăng gần 16%, phát thải khí CO2 tăng gần 18%. Rừng amazon, "lá phổi xanh" của Trái đất, trung bình bị mất hơn 24% diện tích trong 10 năm. Nhiệt độ bề mặt Trái đất liên tục tăng trong suốt 40 năm qua. Tuy chỉ tăng xấp xỉ 1oC so với những năm 80, đây đã là con số báo động vì việc tăng 1,5oC đồng nghĩa với việc băng tan hàng loạt, nước biển dâng, các đảo, khu vực duyên hải và vùng trũng thấp sẽ biến mất.

Ở những khu vực ven biển, mực nước biển dâng cao, cuốn trôi nhà cửa, buộc người dân phải di dời đến khu vực cao hơn. Đối với vùng lạnh quanh năm như Bắc Cực, chu kỳ tan băng bị phá vỡ, khiến tuần lộc bị chết đói hàng loạt, đe dọa kế sinh nhai của nông dân và người dân bản địa. Dưới đáy biển, rạn san hô lớn nhất thế giới bị tẩy trắng và sự đa dạng sinh học cũng biến mất.

Sự nóng lên toàn cầu làm tăng thời tiết cực đoan như cháy rừng ở California và lũ lụt tàn phá ở Việt Nam. Mặc dù tác động ở mỗi nơi mỗi khác nhưng điểm chung là người dân ở đâu cũng bị mất nhà cửa và sinh kế.

Biến đổi khí hậu đang khiến ngày càng nhiều người rời bỏ nhà cửa do lũ lụt, hạn hán và thời tiết cực đoan. Các nước châu Phi ở khu vực hạ Sahara và nhiều nước ở khu vực ven biển phải chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Các chuyên gia tin rằng, trong nửa thế kỷ tới, hàng triệu người sẽ bị mất nhà cửa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Việc tha hương là để đến nơi khác tìm công việc có tương lai hơn, mưu cầu cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một tồi tệ, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính, vào năm 2030, 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới và 80 triệu việc làm toàn thời gian sẽ bị biến mất do stress nhiệt (tình trạng nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được). Điều này gây thất thoát 2.400 tỷ USD.

Nông nghiệp sẽ là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi stress nhiệt, tiếp là đến ngành xây dựng. Các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp như Tây Phi và Nam Á được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do họ có ít nguồn lực hơn để đáp ứng hiệu quả với hiện tượng nền nhiệt gia tăng.

Những hình ảnh gắn với biến đổi khí hậu không chỉ là khói bụi xe cộ, hoạt động sản xuất công nghiệp mà còn là những tòa nhà và hoạt động xây dựng. Một tòa nhà thiết kế không hiệu quả sẽ dùng nhiều năng lượng hơn, các vật liệu ít bền vững hơn, gây hiệu ứng nhà kính. Ở nhiều nước châu Âu, những tòa nhà "xanh" chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, không thải khí carbon dần dần đã là tiêu chuẩn.

Trong nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, một số quốc gia hiện đang cân nhắc việc đánh thuế thịt đỏ. Tờ Business Insider dẫn nguồn báo cáo của công ty nghiên cứu Fitch Solutions kết luận, "sin tax" - thuế đối với các sản phẩm như: thuốc lá, thực phẩm và đồ uống có đường - có thể sớm được áp dụng cho thịt. Không như thuốc lá hay đường, việc hạn chế sự thèm ăn thịt của con người liên quan đến các vấn đề rộng lớn hơn là sức khỏe, đó là biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và các mối lo ngại về đạo đức.


Australia công bố chiến lược hành động về biến đổi khí hậu Australia công bố chiến lược hành động về biến đổi khí hậu Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe của thế hệ trẻ Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe của thế hệ trẻ Italy đưa biến đổi khí hậu vào dạy tại trường phổ thông Italy đưa biến đổi khí hậu vào dạy tại trường phổ thông


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.