Nguyễn Võ Thu Uyên đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học tại Mỹ. Dù tình cờ biết đến ngày hội nghề nghiệp này nhưng mục đích mà cô đến đây rất rõ ràng, đó là tìm kiếm cơ hội thực tập sinh tại một công ty đa quốc gia. Hồ sơ tham gia ứng tuyển của Uyên dài đến 2 trang A4. Đây là sai lầm thường gặp của các sinh viên khi đi xin việc.
Thay vì sử dụng hồ sơ xin việc riêng biệt cho từng công việc muốn tham gia ứng tuyển, nhiều ứng viên lại sử dụng chung một hồ sơ để nộp vào nhiều công ty, vị trí công việc khác nhau. Đây là điều tối kị khi đi xin việc, nhưng lại là sai lầm mà nhiều ứng viên mắc phải vì hồ sơ xin việc lại là khắc họa đầu tiên về năng lực, tính cách của ứng viên.
Trong những năm gần đây, tiêu chí tuyển dụng của các công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài tại Việt Nam đã có sự chuyển dịch. Thay vì đòi hỏi kinh nghiệm, các nhà tuyển dụng ưu tiên đánh giá kỹ năng của ứng viên. Điều đó phải được ứng viên thể hiện rõ ngay trên hồ sơ xin việc thay vì chỉ chú trọng giới thiệu về bằng cấp, điểm số đạt được.
Nếu như trước đây ngoại ngữ là rào cản lớn nhất đối với người lao động Việt Nam khi tham gia ứng tuyển tại công ty, doanh nghiệp lớn, nay kỹ năng này đã được cải thiện. Theo các nhà tuyển dụng, điều cần với lao động Việt Nam lúc này chính là kỹ năng giao tiếp và thích ứng với mọi sự thay đổi. Chỉ khi đó lao động Việt Nam mới dễ dàng gia nhập thị trường lao động thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!