Nắng nóng ở miền Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị chết, nhiều cánh rừng bị khô cháy. Tuy nhiên, tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có nền nhiệt độ trung bình cao nhất nước, lại có được màu xanh của nhiều loại cây trồng. Nguyên nhân một phần là do tỉnh Ninh Thuận đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sử dụng cây trồng ít tốn nước nhưng có hiệu quả so sánh cao.
Hồ chứa nước Phước Nhơn, dung tích thiết kế 780.000m3, là một trong những công trình thủy lợi nhỏ phát huy hiệu quả ở tỉnh Ninh Thuận. Năm 2018, vào thời điểm này, hồ Phước Nhơn đã xuống xấp xỉ mực nước chết. Tuy nhiên, hiện hồ chứa này còn đến 530.000m3, đảm bảo tưới cho khoảng 200ha cây hoa màu cho đến thu hoạch.
Nguyên nhân công trình thủy lợi Phước Nhơn và hàng chục công trình thủy lợi vừa và nhỏ khác ở tỉnh Ninh Thuận còn đủ nước là do tỉnh Ninh Thuận đã vận động người dân không trồng lúa mà chuyển sang cây trồng cạn, ít sử dụng nước. Do đó, ngay vào thời điểm khô hạn gay gắt nhất, ruộng mè và bắp của người dân vẫn xanh tốt.
Trong vụ Đông Xuân năm 2019, có gần 600ha đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả được chuyển sang cây trồng ít sử dụng nước tưới như: nho, táo, mè, bắp. Việc chuyển đổi cây trồng ở Ninh Thuận không chỉ tiết kiệm nguồn nước mà lợi thế so sánh còn cao hơn hẳn cây lúa. Vì vậy, cùng với việc tổ chức lại hoạt động sản xuất, tỉnh Ninh Thuận cũng đầu tư đấu nối hệ thống thủy lợi nhằm san sẻ nguồn nước để các địa phương tưới cho cây trồng cạn và phục vụ nhu cầu dân sinh.
Giải pháp chống hạn cho Ninh Thuận VTV.vn - Hạn hán đang tiếp tục hoành hành tại Ninh Thuận. Nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán đang được các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương triển khai tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!