Có khoảng 20 điểm sáng về môi trường kinh doanh đã được chỉ ra. Đó là tính năng động và tiên phong của chính quyền; chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính tốt nhất trong các vùng; hay như điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh tốt nhất cả nước,… Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn giữ được chất lượng điều hành tốt và đang là khu vực được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chỉ số PCI công bố hàng năm không chỉ được doanh nghiệp quan tâm, mà ngay cả chính quyền các địa phương cũng lấy đây làm động lực để phấn đấu. Thế nên đã có những thay đổi rõ rệt về tư duy, về cách kêu gọi các nhà đầu tư về với đồng bằng. Chẳng hạn Cà Mau đưa PCI vào nội dung đào tạo cho cán bộ cấp tỉnh; Hậu Giang giao chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp để đánh giá cán bộ cấp huyện hay như Đồng Tháp duy trì mô hình lãnh đạo tỉnh uống cà phê cùng doanh nghiệp để kịp thời giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Dù vậy thì sự bứt phá của ĐBSCL trong bảng xếp hạng cũng chỉ dựa vào 1 trong 3 trụ cột phát triển, đó là thể chế. Ở đây có thể hiểu là sự năng động, linh hoạt của chính quyền địa phương. Còn 2 yếu tố quan trọng khác gồm hạ tầng và nhân lực vẫn được xem là điểm yếu. Đó cũng là nguyên nhân ĐBSCL thu nhiều lời khen ngợi, nhưng chưa thực sự hút nhà đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!