UKRAINE: NGHỆ THUẬT TỪ VỤN TIỀN GIẤY
Bên cạnh sự khéo léo và sáng tạo của người nghệ sĩ, thì chất liệu cũng góp phần quan trọng giúp tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mới lạ và độc đáo. Một nghệ sĩ người Ukraine đã lựa chọn vụn tiền giấy để làm chất liệu cho tác phẩm của mình.
Nghệ sĩ Yaroslava Tkachuk đã dùng tiền giấy vụn để làm nên những bức tranh.
Nghệ sĩ Yaroslava Tkachuk đã chú ý đến tiền giấy khi cô vô tình nhìn thấy Ngân hàng quốc gia đang hủy những tờ tiền in lỗi bằng 1 máy hủy chuyên dụng. Cô đã thu gom những vụn tiền này mang về, rồi chế biến thành chất liệu cho những bức tranh của mình. Thông qua chất liệu này, Yaroslava muốn gửi đi thông điệp rằng đừng quá coi trọng tiền bạc, bởi cuối cùng thì nó cũng trở thành một đống giấy vụn không có giá trị.
PAKISTAN: NGHỆ THUẬT TỪ VIẾT CHÌ MÀU
Với niềm đam mê sưu tập viết chì từ nhỏ, anh Asif - một nghệ sĩ ở Pakistan đã thu mua nhiều loại viết chì màu từ nhiều nước trên thế giới. Sau đó, kết hợp chúng lại tạo nên các tác phẩm đầy màu sắc.
Một tác phẩm được làm từ bút chì màu.
Anh Asif muốn dùng những cây viết chì này để thể hiện mong muốn về một thế giới mà mọi người, cho dù khác biệt đến đâu, vẫn luôn có thể chung sống trong hòa bình.
ANH: NGHỆ THUẬT TỪ DAO
Bức tượng thiên thần này cao hơn 8 mét, được làm từ 100.000 con dao.
Bức tượng thiên thần cao hơn 8 mét, được làm từ 100.000 con dao. Các nhà thiết kế mất 1 năm để tạo ra bức tượng này nhằm tưởng nhớ những người thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng dao; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng bạo lực tại Anh.
PHILIPPINES: NGHỆ THUẬT TỪ BÌA CỨNG
Tác phẩm nghệ thuật làm từ bìa cứng của 2 nghệ sĩ Philippines.
Quy hoạch đô thị sao cho hợp lý? Hay giải quyết vấn đề nhập cư ra sao? Đó là những thông điệp được 2 nghệ sĩ người Philipppines truyền tải thông qua tác phẩm này. Toàn bộ tác phẩm đều được làm từ bìa cứng – một vật liệu rất được ưa chuộng và rất dễ tìm thấy tại Philippines.
ẤN ĐỘ: 7 KỲ QUAN THẾ GIỚI TỪ PHẾ LIỆU KIM LOẠI
Còn tại Ấn Độ, mỗi ngày thủ đô New Delhi lại thải ra rất nhiều phế liệu, đặc biệt là từ xe cộ. Chính vì vậy, 1 nhóm nghệ sĩ tại nước này đã sử dụng phế liệu kim loại để tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới.
Tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do hay đền Taj Mahal cùng nhiều kỳ quan thế giới khác đều có mặt tại công viên này.
Nguyên liệu chính để tạo ra các tác phẩm là kim loại được thu thập từ nguồn phế liệu của địa phương. Đây là một phần trong dự án biến bãi rác thành phố thành công viên; nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng; cũng như tạo ra một không gian nghệ thuật cho tất cả mọi người.
Anh ZaKir Khan – Nghệ sĩ Ấn Độ cho biết: "Kế hoạch của chúng tôi là thu gom phế liệu từ khắp nơi trong thành phố, sau đó tái sử dụng chúng để nâng cao nhận thức cho mọi người".
Công viên cũng sẽ được vận hành bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Dự kiến, sẽ thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!