Với đặc thù có nhiều tuyến đường ven sông, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL không chỉ khiến người dân mất nhà cửa, tài sản mà còn đe dọa trực tiếp đến tình hình giao thông trong khu vực. Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ, lịch sử ông bà định cư ở ĐBSCL là sống dựa vào sông nước, do đó nhà cửa, đường đi của người dân tại đây thường ở gần nguồn nước. Khi về miền Tây, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh một bên là sông và sát đó là một con đường. Tuy nhiên, nay đã khác xưa, thay vì giúp người dân đi lại thuận tiện, những con đường ven sông hiện lại gặp phải nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng vào bất cứ lúc nào.
Trong thời gian qua, tình trạng sạt lở kênh rạch ở ĐBSCL diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, quy hoạch giao thông nông thôn ở các địa phương lại gắn liền với các tuyến kênh này. Điều đó kéo theo nhiều hệ lụy khi những điểm sạt lở dù lớn hay nhỏ cũng đều gây hư hỏng các tuyến đường. Trong khi các địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở ở những tuyến đường nông thôn ven kênh rạch, nay cả những tuyến quốc lộ huyết mạch cũng bị đe dọa. Mới đây nhất, tại tỉnh An Giang, một đoạn Quốc lộ 91 đã bị sông Hậu "nuốt chửng".
Rõ ràng, việc khắc phục sạt lở ven các tuyến đường giao thông là chuyện nên làm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và không có dấu hiệu dừng lại, việc lở đến đâu làm kè đến đó sẽ rất tốn kém và chưa chắc đạt hiệu quả mong muốn.
Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác số lượng đường giao thông nông thôn và quốc lộ ở ĐBSCL đã, đang và có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, nhưng chắc rằng con số này là không nhỏ. Và với tính chất phức tạp của tình trạng sạt lở hiện nay, các chuyên gia đã nhận định, khó có cách nào khả thi hơn việc khẩn trương triển khai thi công các tuyến đường tránh để đảm bảo giao thông vẫn thông suốt khi tình trạng sạt lở xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!