Tái diễn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại Lâm Đồng

Thanh Tùng - Phạm Việt (VTV9)Cập nhật 21:22 ngày 19/03/2020

VTV.vn - Tại tỉnh Lâm Đồng, dù lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý và bảo vệ nhưng rừng thông vẫn bị đối tượng phá rừng lén lút xâm lấn trái phép để lấy đất sản xuất.

Hàng trăm vụ phá rừng xảy ra mỗi năm tại tỉnh Lâm Đồng, trong đó nhiều vụ triệt hạ rừng thông với quy mô lớn đã diễn ra, nhiều cây thông hàng chục năm tuổi đã biến mất. Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng phá rừng thông để lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Mới đây nhất, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện hàng trăm cây thông ba lá được trồng từ năm 1997 tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông đã bị triệt hạ để lấy đất sản xuất.

Trên các thân cây vẫn còn nguyên dấu vết bị khoan lỗ, đổ hóa chất vào, làm cho cây chết, sau đó bị cưa hạ. Lợi dụng thời gian đốt thực bì, những kẻ phá rừng đã đốt cháy trụi cả khu vực rừng vừa phá để tránh bị phát hiện.

Tại khu vực rừng phòng hộ Phi Liêng, huyện Đam Rông, nạn phá rừng đã diễn ra dai dẳng từ năm 2017 đến nay. Trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, nhiều loại cây như: mắc ca, mít, bơ đã mọc lên. Ngay bên cạnh là khoảnh rừng thông khác vừa bị triệt hạ vào khoảng cuối tháng 2 vừa qua, những tấm bảng rao bán đất kèm số điện thoại được treo lên công khai. Người dân cho biết, đối tượng phá rừng đều rất manh động, người dân dù phát hiện được cũng không dám báo cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù.

Đất tại các khu vực rừng thông tại thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận thường có giá trị rất cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, mục đích của đối tượng phá rừng thông không phải để lấy gỗ mà lấy đất để sản xuất nông nghiệp. Sau khi triệt hạ rừng thông, nếu không có nhu cầu về đất sản xuất, các đối tượng phá rừng sẽ rao bán lại. Mỗi ha đất rừng bán trót lọt có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng. Sức hấp dẫn này khiến các cánh rừng thông tại tỉnh Lâm Đồng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ phá rừng.

Điều tra cho ra thủ phạm và phải trồng lại rừng là chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Lâm Đồng đối với các cơ quan chức năng và các địa phương khi để xảy ra phá rừng. Đặc biệt, cán bộ cơ sở không được phép hợp thức hóa đất rừng bị lấn chiếm trái phép sang đất nông nghiệp.

Năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý hình sự một số vụ phá rừng thông có tính chất nghiêm trọng. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành chỉ thị giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng về các địa phương nhằm giảm thiểu tối đa việc xâm hại vào đất rừng. Mục tiêu là đảm bảo độ che phủ, góp phần đa dạng sinh học, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tình trạng phá rừng, chiếm đất sản xuất vẫn là thực tế dai dẳng ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung. Đây chính là ngọn nguồn khiến tần suất thiên tai trở nên dồn dập và nông dân canh tác là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả. Do đó, bên cạnh những giải pháp ngăn chặn phá rừng, vào lúc này, yêu cầu khá bức bách là phải có được phương thức canh tác gắn với rừng.


Khó khăn trong bảo vệ rừng thông tại Lâm Đồng Khó khăn trong bảo vệ rừng thông tại Lâm Đồng

VTV.vn - Nhiều cánh rừng thông tại Lâm Đồng đã biến mất, thay vào đó là những loại cây nông nghiệp được trồng trên phần diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.