Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô 2019 - 2020 đang diễn ra rất gay gắt. Đến ngày 9/2/2020, đã có hàng nghìn ha lúa bị thiệt hại hoặc đang bị đe dọa bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện toàn vùng ĐBSCL bị thiệt hại khoảng 29.700ha lúa Đông Xuân.
Trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, vùng ĐBSCL xuống giống 1,5 triệu ha. Như vậy, diện tích lúa bị thiệt hại đến lúc này chỉ chiếm khoảng 7% tổng diện tích. Có được kết quả này là nhờ sự chủ động trong công tác ứng phó. Từ tháng 6/2019, Bộ NN&PTNT đã dự báo trước tình hình hạn mặn và chủ động giảm diện tích vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020.
Theo Bộ NN&PTNT, trung bình 1ha lúa cần 3.500m3 nước tưới. Việc ngừng xuống giống 100.000ha lúa sẽ giúp tiết kiệm 350 triệu m3 nước. Bên cạnh đó, diện tích ngừng xuống giống nằm ở những vùng thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nếu để người dân sản xuất, thiệt hại sẽ nặng nề.
Bên cạnh những chỉ đạo về sản xuất, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn đẩy nhanh tiến độ những công trình điều tiết nước ở khu vực này. Nhiều dự án đã kịp đưa vào sử dụng, giúp các địa phương phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả. Hiện các dự án này đã giúp vùng ĐBSCL ứng phó hiệu quả với đợt hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt năm 2020.
Tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị phòng chống hạn mặn ở ĐBSCL. Ngay sau hội nghị này, Tổ tiền phương phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 đã được thành lập. Đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã sẵn sàng với những kịch bản ứng phó từ quý IV/2019. Như vậy, thắng lợi bước đầu này có được là nhờ sự chủ động trong công tác ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!