Cụ thể, năm 2013 có 15 vụ chưa chấp hành, đến năm 2019 có hơn 1.300 vụ, gấp 90 lần. Việc chưa giải quyết xong các vi phạm xây dựng không những ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước mà còn khiến các vi phạm khác trở nên dai dẳng hơn, khó xử lý hơn.
Khu đất nông nghiệp có diện tích 4.600m2 được cho là của ông Lê Tấn Tài, ngụ tại đường số 40, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức là một trong những công trình xây dựng vi phạm đáng chú ý nhất trong thời gian qua tại TP.HCM. Đáng chú ý là bởi trong khu đất được rào bằng tôn này có đến 37 căn nhà đã xuất hiện. Chưa bàn đến việc vì sao chưa được cấp phép đã xuất hiện ngần ấy căn nhà, lúc này câu hỏi được đặt ra là chính quyền địa phương đã làm gì để xử lý vi phạm này.
Theo UBND phường, khu đất ông Tài xây dựng trái phép là khu vực quy hoạch đất cây xanh và đường giao thông. Nhằm đối phó, ông Tài đã rào bằng tôn và thực hiện hành vi xây dựng trái phép. Để ngăn chặn, địa phương đã có những quyết định hành chính xử phạt. Theo ghi nhận, phường đã nhiều lần xử phạt bằng các quyết định hành chính từ năm 2015. Gần đây nhất, vào tháng 6/2019, ông Lê Tấn Tài đã bị xử phạt 1,5 triệu đồng và buộc tháo dỡ các công trình sai phép. Điều đáng nói là sau mỗi lần có quyết định xử phạt, ông Tài đều không chấp hành. Khi đó, ngoại trừ đề xuất cấp trên ra quyết định cưỡng chế, phường không thể làm gì hơn.
Câu chuyện xử lý hậu quả sai phạm của phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM có lẽ là cũng câu chuyện của nhiều địa phương khác trong xử lý về vi phạm trật tự xây dựng. Thậm chí, có nơi đã 3 năm vẫn chưa thể cưỡng chế nổi dù chỉ một viên gạch.
Không thể phủ nhận quyết tâm rất lớn từ lãnh đạo TP.HCM trong việc xử lý nghiêm vi phạm về trật tự xây dựng. Đã có những cuộc họp do chính lãnh đạo thành phố chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bên khi gặp bất cập về quy định. Tuy nhiên, để chống vi phạm trong xây dựng khó một, xử lý công trình vi phạm đã thành hình khó đến mười.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ năm 2013 - 2019, Sở đã xử phạt hành chính 9.920 vụ vi phạm xây dựng, tỷ lệ chấp hành trên 50%. Tuy nhiên, con số này lại làm các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM băn khoăn vì tỷ lệ chấp hành chỉ đạt trên 50%, số còn lại chưa chấp hành xử phạt vẫn còn ở mức cao, lên đến 4.462 vụ vi phạm.
Một băn khoăn khác đã được đặt ra, đó là trong hơn 5.000 vụ chấp hành xử phạt, có bao nhiêu vụ chấp nhận đóng tiền mà vẫn để nguyên hiện trạng. Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố, vấn đề thi hành cưỡng chế các công trình vi phạm không chỉ gây đau đầu cho Sở mà cho cả các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Từ thực tiễn này, các chuyên gia đề xuất cần điều chỉnh những quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm về hoạt động xây dựng, cần thiết có thể yêu cầu xử lý về hình sự. Rõ ràng, hiệu lực của Luật Xử lý vi phạm hành chính là chưa lớn. Đây cũng là lý do luật này sẽ được đưa ra xem xét và sửa đổi trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Trong khi chờ đợi, việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền các địa phương, nơi sát sườn nhất với người dân trong việc quản lý, ngăn chặn, xử phạt, cũng giúp việc thực thi pháp luật có hiệu quả hơn. Có như vậy pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mới đi vào cuộc sống và nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!