Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với đại diện Sở GTVT và Sở Xây dựng TP.HCM là tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm giảm ùn tắc giao thông và quản lý Nhà nước về xây dựng trái phép.
Theo đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, 3 năm trước, Sở GTVT TP. HCM đồng ý cho phép chủ đầu tư san lấp rạch Ụ Lò ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để thi công. Việc đồng ý này đã làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Từ vụ việc này, Sở sẽ tiến hành khảo sát như thế nào và công khai thông tin việc cho phép san lấp rạch ra sao để người dân giám sát?
Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là các công trình chống ùn tắc giao thông. Theo mô hình mô phỏng dự báo, đến năm 2021, hướng đi về phía Nam và khu vực sân bay sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Theo dự báo, đến năm 2025, hướng đi về phía Nam vẫn tiếp tục khó khăn bất chấp hệ thống Metro, BIT đi vào hoạt động.
Cũng trong sáng 13/7, phiên chất vấn và trả lời chất của "tư lệnh" ngành Xây dựng TP.HCM đã nhận được sự quan tâm của đại biểu xoay quanh việc cấp phép xây dựng và hoàn công. Nhiều đại biểu thắc mắc, vì sao trong năm qua thành phố ban hành cả nghìn quyết định xử phạt vì xây dựng trái phép nhưng vẫn không có dấu hiệu sụt giảm. Phải chăng công tác quản lý có vấn đề gì?
Để giúp các đại biểu HĐND hiểu rõ hơn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch TP.HCM, khẳng định, thành phố sẽ quyết liệt xử phạt, thậm chí là xử lý hình sự đối với đầu nậu phân lô, bán nền gây náo loạn thị trường, thách thức kỷ cương. Đối với những dự án "ma", thành phố sẽ xử nghiêm nếu phát hiện trường hợp vi phạm.
Trong chiều 13/7, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết đối với 20 tờ trình của UBND thành phố. Trong đó, đáng chú ý là hệ số điều chỉnh giá đất tăng thêm 0,4 lần so với năm 2018; tăng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát chuẩn cận nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, không phải đảm bảo tiền vay...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!