Do đó mới đây, Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM một lần nữa gửi văn bản đốc thúc các quận, huyện nhanh chóng tổ chức, sắp xếp hoạt động của chủ thu gom rác dân lập trên địa bàn.
Cụ thể, phải vận động các chủ thu gom rác thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường; vận động chuyển đổi, phát triển lên công ty, doanh nghiệp vệ sinh môi trường; người thu gom rác dân lập gia nhập vào tổ chức hoạt động của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận, huyện.
Bên cạnh đó, địa phương hướng dẫn chủ thu gom dân lập tổ chức, sắp xếp thu gom chất thải rắn sinh hoạt phải dựa trên nguyên tắc tối ưu cự ly và khối lượng thu gom, khép kín trên địa bàn. Không để tình trạng da beo, một chủ thu gom rời rạc, đứt quãng trên nhiều địa bàn khác nhau.
Địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các chủ thu gom rác dân lập trong quá trình hoạt động, đồng thời có giải pháp hỗ trợ những chủ thu gom rác trở thành công nhân của công ty nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của họ.
Đến thời điểm này, TP.HCM đã chuyển đổi xong 2.093 trên tổng số 2.700 đường dây rác dân lập không có tư cách pháp nhân trên địa bàn, chiếm tỉ lệ 77,5%. Đây là kết quả khả quan, cho thấy việc chuyển đổi hoàn toàn hình thức rác dân lập có thể làm được và sẽ hoàn tất trong thời gian sớm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, 613 đường dây còn lại ở 24 quận, huyện đều là những điểm tương đối khó chuyển đổi, cần nhiều nỗ lực hơn nữa của thành phố trong thời gian tới.
Giữa trưa, một chiếc xe rác dừng lại trước cửa nhà số 486 Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Kỳ lạ là việc gom rác dường như chỉ diễn ra cho có lệ. Sau khi xe rác đi, đống rác to, bốc mùi hôi thối lẽ ra nằm gọn trên xe lấy rác lại vẫn ở nguyên vị trí cũ. Theo chúng tôi được biết, đống rác này đã nằm đây 10 ngày nhưng chưa được thu gom.
Nguyên nhân nằm ở mức giá. Người gom rác đòi thu tới 450.000 đồng/tháng đối với hộ kinh doanh của anh Nguyên. Trong khi cũng chính trong ngôi nhà đó, chủ nhà chỉ phải trả 30.000 đồng/tháng. Sự tùy hứng hét giá với từng đối tượng của chủ đường dây rác khiến người dân ở đây rất bức xúc.
Thực tế, quận 7 còn 54 đường dây rác dân lập hoạt động không có tư cách pháp nhân, thiếu chuyên nghiệp và tùy ý như vậy. Các phương tiện thu gom rác thì đều thô sơ, phát tán mùi hôi, rơi vãi chất thải và rò rỉ nước rác trong quá trình thu gom.
Ngoài quận 7, 9 quận, huyện khác vẫn còn nhiều mô hình rác dân lập hoạt động, nhất là Gò Vấp, quận 5 và Tân Phú. Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm câu chuyện này.
Để làm được điều đó, TP.HCM sẽ phải kiên trì thực hiện 8 chính sách hỗ trợ người thu gom rác dân lập chuyển đổi. Trong đó quan trọng nhất là việc miễn thuế doanh nghiệp và hỗ trợ tiền để chuyển đổi phương tiện thu gom rác, làm sao để các tổ, đường dây thu gom thấy được lợi ích, quyền lợi của họ khi tham gia HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!