Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế.
Ngay từ năm 2001, tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM. Ngành tài chính cũng giúp TP.HCM huy động được khoảng 460.000 tỷ đồng/năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dù đạt được những kết quả khá tích cực như vậy, các chuyên gia nhận định, mức độ phát triển và quy mô giao dịch của thị trường tài chính TP.HCM vẫn còn nhỏ, chưa thực sự hấp dẫn các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TP.HCM hiện nay đã là trung tâm kinh tế, trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam. 52% số doanh nghiệp của Việt Nam tập trung ở thành phố này, còn 62 tỉnh còn lại chỉ chiếm 48%. Các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, việc hiện thực hóa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển không chỉ cho nền kinh tế của thành phố mà còn của cả nước.
Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 đều nhất trí, để đạt được mục tiêu này, thành phố cần cân nhắc, đánh giá đầy đủ về lợi thế tự nhiên và những khó khăn gặp phải trong quá trình tận dụng lợi thế. Ngoài ra, còn có vấn đề về quỹ đất, nhà ở, dịch vụ phục vụ cư dân trong trung tâm tài chính, cũng như yêu cầu thành phố phải trở thành một trung tâm đào tạo về kinh tế - tài chính và tiên phong trong vấn đề chuyển đổi số, từng bước trở thành một đô thị thông minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!