Ngày 1/8, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7. Một trong những công việc trọng tâm trong thời gian tới là thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Trung theo hướng chính ngạch. Lâu nay, một lượng lớn nông, thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh.
Tôm đã đến kỳ xuất bán, bà con nuôi tôm ngược xuôi gọi thương lái nhưng chẳng ai đến mua. Giá mua tôm hùm, loại tôm xanh bị ép xuống chỉ còn 580.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm trở lại đây bởi lâu nay tôm hùm xanh thường có giá trên 900.000 đồng/kg.
Hiện có khoảng 150.000 lồng nuôi tôm hùm trên cả nước, tập trung ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Đầu ra của tôm hùm hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái, trong khi thương lái lại phụ thuộc vào các đầu mối thu gom để xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, năm 2019, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch các mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam, thay vào đó khuyến khích nhập khẩu chính ngạch với những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Những yêu cầu khắt khe từ phía thị trường Trung Quốc đối với nông, thủy sản Việt Nam đã được cảnh báo từ năm 2018. Trên thực tế, với những người tôm hùm, đó lại là khoảng trống như để tôm hùm xuất khẩu chính ngạch, người nuôi buộc phải truy xuất nguồn gốc ngay từ con giống.
Mỗi năm sản lượng tôm hùm từ các vùng nuôi là khoảng 1.800 tấn. Việc cứu nguy cho thị trường tôm hùm bởi thế là yêu cầu khá bức bách lúc này. Và việc gỡ khó không thể không bắt đầu từ vùng nuôi theo quy hoạch gắn với thị trường, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!