Hãy hình dung, một ngày nào đó bỗng dưng bạn nhận được một tin nhắn, một cuộc điện thoại thông báo rằng bạn trúng thưởng. Đó có thể là khoản tiền lớn, đó có thể là trúng thưởng ô tô, điện thoại đắt tiền... Tâm trạng như đang "ở trên mây", vậy là bạn làm theo hướng dẫn từ thông báo trúng thưởng và kết cục, bạn đã đổi đời, nhưng không phải đổi đời qua cuộc cuộc sống sung sướng mà rơi vào tình cảnh nghiệt ngã. Tại tỉnh Khánh Hòa, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án sau khi triệt phá băng nhóm lừa đảo trúng thưởng qua mạng viễn thông.
Lê Duy Hải, 27 tuổi, ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cùng vợ đăng ký mở công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lê Hải từ năm 2018. Hải sử dụng thuật toán trong ứng dụng phần mềm để thu thập hàng triệu số điện thoại ngẫu nhiên. Tiếp đó, chỉ đạo các nữ nhân viên dùng SIM một nhà mạng viễn thông gọi điện cho các số điện thoại này, thông báo trúng thưởng, giải thưởng là điện thoại iPhone X hoặc iPhone Promax cùng phiếu mua hàng tại siêu thị. Các nữ nhân viên của Hải yêu cầu người trúng thưởng phải đóng 10% giá trị giải thưởng (tương đương từ 2,9 - 3,9 triệu đồng). Tuy nhiên, phần quà không đúng như giá trị đã thông báo và giao dịch với khách. Chiều ngày 13 tháng 7 vừa qua, cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đồng loạt khám xét nơi ở và làm việc của Lê Duy Hải, thu giữ nhiều tang vật của nhóm lừa đảo.
Đây chỉ là một trong nhiều băng nhóm lừa đảo được lực lượng công an triệt phá trong thời gian gần đây. Những góc khuất đầy đen tối của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang dần lộ ra. Thủ đoạn lừa đảo qua mạng, qua điện thoại liên tục được cảnh báo trong thời gian qua, thế nhưng điều khó hiểu vẫn có những người tiếp tục sập bẫy.
Bởi không phải ai cũng nghi ngờ trước những tin nhắn như vậy. Thậm chí, ngay tại thành phố Nha Trang, nơi mà hàng ngày người dân thường xuyên tiếp nhận các khuyến cáo về những vụ việc lừa đảo qua mạng, qua điện thoại, vậy mà vẫn tiếp tục có người bị sập bẫy.
Người đàn ông này ở phường Phước Hải, thành phố Nha Trang. Một cuộc điện thoại gọi đến, tự xưng là cán bộ của Bộ Công an, yêu cầu ông phải chuyển 1,4 tỷ đồng vào tài khoản mà đối tượng mạo danh Bộ Công an cung cấp. Đối tượng lừa đảo uy hiếp tinh thần nạn nhân bằng cách cho rằng tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị sử dụng vào hoạt động phạm pháp, buộc nạn nhân phải chuyển tiền để cơ quan chức năng điều tra xác minh.
Rất nhiều chiêu thức, đơn giản có, tinh vi có... tất cả đều sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Phổ biến nhất là dạng lừa đảo qua điện thoại.
Trong năm 2019, Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận, xác minh 47 vụ việc có dấu hiệu sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Số tiền thiệt hại do các nạn nhân tự khai gần 5 tỷ đồng. Điều đáng nói, những tháng đầu năm nay, tiếp tục có những nạn nhân bị sập bẫy những vụ lừa đảo qua điện thoại.
Thời gian qua, nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đã được triệt phá, trong đó có những vụ việc tội phạm là người nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhận định, tội phạm công nghệ cao vẫn còn rất phức tạp.
Nhiều chuyên gia về an ninh mạng cho rằng: đối với người dân, nếu chỉ dựa vào đầu số các cuộc gọi thì cũng rất khó nhận diện đâu là những cuộc gọi lừa đảo. Bởi vậy, khuyến cáo liên tục đưa ra là mỗi người dân phải hết sức cảnh giác, bởi chỉ một phút chủ quan, nghe theo nội dung tin nhắn, nghe theo cuộc điện thoại thì dễ dàng bị sập bẫy, trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!