Những ngày này, nhiều tỉnh, thành tại ĐBSCL đang hứng chịu đợt xâm nhập mặn gay gắt. Nước mặn trên sông Hàm Luông lấn rất sâu, đổ qua sông Tiền đe dọa hàng chục ngàn hecta vườn cây ăn trái tại các địa phương ven sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang và đặc biệt là vùng chuyên canh sầu riêng tại cù lao xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Theo nhiều nhà vườn, đây là đợt xâm nhập mặn mà họ chưa từng chứng kiến trong đời.
Hiện toàn bộ cù lao xã Ngũ Hiệp không còn nước ngọt để tưới sầu riêng. Những ngày qua, nước dưới sông Tiền bao quanh cù lao này có độ mặn từ 0,3 đến trên 3,8 phần ngàn. Nhiều diện tích sầu riêng đã bắt đầu rụng lá và chết cành. Đặc biệt, những cây sầu riêng đang cho trái, nguy cơ thiệt hại là rất cao.
Tại các xã có diện tích cây sầu riêng lớn nhất của huyện Cai Lậy như: Tam Bình, Long Trung, Hội Xuân, Phú An, Long Tiên… tình trạng khan hiếm nước ngọt cũng đang diễn ra. Nhiều vườn sầu riêng có nguy cơ chết trắng trong vài ngày tới nếu không có nguồn nước ngọt bổ sung.
Toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 9.000 hecta sầu riêng trồng chuyên canh, tập trung ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Cây sầu riêng mang lại cho nông dân địa phương nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Trước tình hình xâm nhập mặn hiện nay, chính quyền địa phương và bà con nông dân đang phải dùng mọi biện pháp có thể để cứu bằng được diện tích sầu riêng đang khát nước ngọt.
Để bảo vệ hàng vườn nhà, nhiều nông dân ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang phải vét bùn đấp gốc sầu riêng nhằm giữ ẩm cho cây. Nếu không làm, cây sẽ xuống sức nhanh chóng. Nhiều nhà vườn thậm chí còn để cỏ mọc um tùm và không dám diệt cỏ. Vì nếu làm như thế nước tưới sẽ bị bay hơi nhanh.
Những hộ còn nước ngọt trong mương vườn thì đang khẩn trương bơm và túi nilon khổng lồ đặt ngay dưới mương để tránh nước mặn hòa vào. Còn đối với những nhà vườn đã hết nước ngọt thì mua nước từ nơi khác chở đến để trữ lại tưới dần là biện pháp khả thi nhất trong thời điểm này.
Tuy chi phí mua nước từ nơi khác để trữ tưới còn khá cao nhưng theo các nhà vườn, sầu riêng từ lúc trồng đến thu hoạch đợt trái đầu tiên phải mất đến 5 năm chăm sóc. Mỗi cây sầu có thể thu hoạch được từ 100 đến 150kg/năm. Nếu để cây chết thì thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều. Hiện nay, nhiều nhà vườn cũng đã chủ động hơn trong việc theo dõi và ứng phó với hạn mặn khi tự trang bị thiết bị đo độ mặn chứ không chỉ ngồi chờ vào thông báo từ địa phương. Khi độ mặn ở ngưỡng cho phép thì người dân sẽ lập tức cho nước vào vườn để trữ nước lại./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!