160.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài trong năm 2023

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 28/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Với gần 160.000 người đi lao động nước ngoài năm 2023, Việt Nam vượt xa kế hoạch đặt ra tới gần 35%, vượt mức kỷ lục của thời điểm trước dịch COVID-19.

650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài

Năm 2023 đang dần khép lại với một trong những điểm sáng đáng ghi nhận là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; điều đó đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình họ.

Xã Vĩnh Lại giờ đây có nhà tầng san sát như phố thị, nơi mà chỉ chục năm trước nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo của Phú Thọ.

160.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài trong năm 2023 - Ảnh 1.

Hiện nay, Vĩnh Lại có hơn 10% dân số đang làm việc ở nước ngoài. Nếu tính cả những người đã từng đi làm việc ở nước ngoài thì con số này lên tới 50%. Họ chính là những người đã đưa nhiều cải tiến, ý tưởng mới vào phát triển kinh tế địa phương.

Chưa có con số tổng kết trên cả nước, nhưng chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về trong năm nay đã đạt gần 9 tỷ đô la Mỹ, tăng 35% so với năm 2022. Đây là nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Hiện Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở một số thị trường lớn.

160.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài trong năm 2023 - Ảnh 2.

Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ

Lớn nhất là thị trường Nhật Bản, khoảng 300.000 người; tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 260.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% gồm (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ gồm (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Trung bình mỗi năm, số lao động Việt Nam đi nước ngoài chiếm xấp xỉ 10% chỉ tiêu việc làm cần giải quyết.

Làm việc ở nước ngoài thu nhập cao hơn từ 5 đến 8 lần trong nước

Trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Tính chung, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân thu nhập cao hơn từ 5 đến 8 lần so với thu nhập trong nước.

Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, quan trọng hơn nữa là tay nghề, trình độ của họ cũng trở thành một nguồn lực quý.

Công ty đóng tàu hàng đấu thế giới Huyndai Mipo có gần 800 trong số 2,300 công nhân nước ngoài là người Việt Nam. Chủ yếu là lao động kỹ thuật, diện visa E7 của Hàn Quốc dành cho nhân lực có trình độ cao và có kinh nghiệm.

Các lao động đã được đào tạo trong nước tốt nên khi vào doanh nghiệp này, chỉ mất 3 ngày thực tập trực tiếp là có thể vào làm việc tại các nhà máy tại Huyndai với mức lương từ 50-60 triệu đồng/tháng.

160.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài trong năm 2023 - Ảnh 3.

Các lao động làm việc tại nhà máy Huyndai với mức lương từ 50-60 triệu đồng/tháng

Đại diện công ty Huyndai Mipo cho biết các nhà máy đang thiếu nguồn nhân lực, nhất là lao động kỹ thuật. Chính vì vậy, công ty sẵn sàng ký ghi nhớ hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc đóng tàu với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH nhằm bồi dưỡng nhân lực có tay nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động phù hợp, sẵn sàng cung cấp kịp thời cho ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc.

Hiện mỗi năm có hơn 10.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc nhưng lao động kỹ thuật mới được gần 700 người. Bộ LĐTBXH đã đề nghị phía Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc xem xét nâng hạn ngạch, mở rộng lĩnh vực tiếp nhận lao động phổ thông và lao động kỹ thuật trong năm 2024 và có chính sách bảo lưu kết quả thi tiếng Hàn để hàng chục nghìn lao động Việt Nam đã có chứng chỉ tiếng Hàn có thêm cơ hội xuất cảnh.

Việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập cũng như tạo điều kiện để thanh niên có thể tiếp cận những công việc, công nghệ, tác phong làm việc mới…Nhiều cơ hội và thách thức ở trước mắt điều quan trọng là tận dụng lợi thế, khắc phục hạn chế như thế nào. Một điều quan trọng nữa là người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả, để người lao động yên tâm trở về tham gia thị trường lao động trong nước, vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Nguyễn Như Tuấn, Phó trưởng phòng Thông tin- tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước