3 tháng TP Hồ Chí Minh gồng mình chống dịch và cam kết dành tất cả cho thành phố từ Chính phủ

VTV9-Thứ năm, ngày 15/07/2021 09:07 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ cũng như người dân cả nước đang hướng về TP Hồ Chí Minh và bằng tất cả mọi khả năng đang nỗ lực chung tay giúp Thành phố đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Tọa đàm: Thành phố Hồ Chí Minh đồng lòng chống dịch COVID-19

TP Hồ Chí Minh đã trải qua gần 3 tháng gồng mình chống đại dịch COVID-19. Chưa bao giờ TP Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều thách thức như lúc này. Nhưng cũng chỉ có người dân sống ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh mới thực sự cảm nhận được, đằng sau những nốt lặng, những lo âu kéo dài đó, là sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống từ chính quyền đến người dân nhằm khống chế và đẩy lùi đại dịch một cách sớm nhất.

Đợt dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh Phức tạp và đầy thử thách

3 tháng TP Hồ Chí Minh gồng mình chống dịch và cam kết dành tất cả cho thành phố từ Chính phủ - Ảnh 2.

Ngày 26/5/2021: Từ 3 ca nghi nhiễm được phát hiện khi đến khám bệnh tại 2 bệnh viện, TP Hồ Chí Minh phát hiện ra ổ dịch, chính thức đánh dấu đợt bùng phát thứ 4 tại thành phố. Số ca nhiễm tăng nhanh do virus chủng Delta.

Ngày 31/5/2021: Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12 áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, phần còn lại của TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 15, kích hoạt chế độ phòng dịch tầm cao tập trung vào các địa bàn, địa điểm có nguy cơ trở thành các chuỗi lây nhiễm.

Ngày 12/6/2021: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh - "thành trì" quan trọng trong công tác chống dịch, bị dịch xâm nhập. Chùm ca bệnh này đã có hơn 100 F0 khiến TP Hồ Chí Minh phải kích hoạt chế độ bảo vệ bệnh viện mức cao nhất.

Ngày 16/6/2021: Toàn thành phố áp dụng giãn cách theo chỉ thị 10 của UBND thành phố.

Ngày 17/6/2021: Số ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên vượt mốc 1.000 ca.

Ngày 23/6/2021: Số ca nhiễm của thành phố chính thức vượt mốc 2.000, chỉ 6 ngày sau khi vượt mốc 1.000. Các tỉnh thành lân cận cũng ghi nhận các ca mắc. Ở TP Hồ Chí Minh, xuất hiện các ca mắc ở các chợ truyền thống và chợ đầu mối. Thành phố buộc phải tạm đóng cửa các địa điểm này. (Đến ngày 9/7, 12/7 chợ đã tạm đóng cửa, trong đó có cả 3 chợ đầu mối lớn nhất là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức)

Ngày 26/6/2021: Thành phố ghi nhận mốc 3.000 ca. Có khoảng 500 điểm phải phong tỏa. Cũng trong ngày này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vào TP Hồ Chí Minh và có chuyến đi thị sát để đánh giá tình hình.

Ngày 9/7/2021: TP Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của chính phủ trên toàn địa bàn.

Số ca nhiễm mỗi ngày được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh đã vượt qua 4 con số và đến ngày 13/7: vượt mốc 15.000 ca mắc còn tới ngày 14/7 số ca nhiễm đã là gần 19.000 ca.

Đánh giá về đợt dịch lần thứ 4 này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: Như đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối phó với chủng virus Delta hết sức khó chịu. Trong thời gian vừa qua, tất cả suy đoán, đánh giá, tổng kết của chúng ta trong đợt dịch trước, một số kinh nghiệm chúng ta đã áp dụng rất tốt trên địa bàn trên cả nước nhưng có cái mới chúng ta vừa làm vừa ra quyết định hết sức cần thiết để có thể khống chế được đợt dịch này trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Bộ Y tế nhận thấy số ca mắc trên địa bàn thành phố tăng rất nhiều trong thời gian ngắn, cùng với đó là nhiều ca diễn biến nặng và đây là đợt dịch rất cần thiết phải huy động tối đa mọi nguồn lực về người về của về cơ sở y tế.

Trong khi đó, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngay từ khi phát hiện những ca mắc đầu tiên và tiến hành truy vết, lực lượng chức năng đã tìm được những điểm chung của các ca mắc là đều sinh hoạt trong một hội nhóm truyền giáo. Thành phố đã tổng lực truy vết và có sự hỗ trợ của các lực lượng trung ương trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác để làm sao trong một thời gian ngắn có thể phát hiện càng sớm càng tốt, càng kỹ càng càng tốt những ca mắc để có thể chặn đứng các nguồn lây.

Từ 2 ca dương tính được phát hiện khi đến khám tại bệnh viện, thành phố đã nhận định: đây là 2 ca cho thấy dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng. Cùng vào thời điểm này, thành phố truy vết và phát hiện thêm hàng loạt ca dương tính không rõ nguồn lây. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), hầu hết các ca phát hiện trong cộng đồng.

Chính vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã huy động lực lượng mở chiến dịch xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, với mục tiêu lấy 5 triệu mẫu truy tìm F0 trong cộng đồng.

Ngành y tế sẽ tập trung xét nghiệm tại những khu vực được đánh giá là có nguy cơ cao, nhằm "quét" thật nhanh các F0 còn tiềm ẩn. Ngoài xét nghiệm RT-PCR, thành phố cũng sẽ triển khai tất cả cách thức xét nghiệm, gồm test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm mẫu đơn, xét nghiệm mẫu gộp... để đảm bảo thời gian, phát hiện trường hợp nghi ngờ dương tính một cách nhanh nhất, khi mà chu kỳ lây nhiễm của biến chủng Delta (xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ) ngắn hơn nhiều so với các chủng trước đây.

Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh đang mở chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: "Chúng ta sẽ cố gắng làm sao để cho người dân tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất. Và hiện nay do nhu cầu và do khả năng cung ứng vaccine mức độ khan hiếm trên toàn cầu nên vaccine không thể về một cách kịp thời được. Vì vậy bao giờ chúng tôi cũng đặt ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh. Lượng vaccine trong tháng 7 này về tiếp chúng tôi vẫn tiếp tục ưu tiên cấp cho TP Hồ Chí Minh".

Dành mọi thứ tốt nhất cho TP Hồ Chí Minh chống dịch

3 tháng TP Hồ Chí Minh gồng mình chống dịch và cam kết dành tất cả cho thành phố từ Chính phủ - Ảnh 3.

Người đứng dầu Chính phủ khẳng định: Dành mọi thứ tốt nhất để giúp TP Hồ Chí Minh chiến thắng đại dịch

Ngay từ đầu đợt dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có nhiều cuộc họp chung và riêng để chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Chính phủ đã và đang tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh, đồng ý cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine. Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong công tác phòng chống dịch, TP Hồ Chí Minh cần nắm chắc thực tế, lãnh đạo chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp phù hợp, khả thi; phát huy tính tự lực, tự cường tự chịu trách nhiệm".

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, 4 tại chỗ, thống nhất, đoàn kết trong nội bộ, trong quần chúng nhân dân. Xác định người dân là trung tâm, chủ thể, hệ thống chính trị cơ sở làm nền tảng trong phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh. Quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban bí thư, nhưng phải sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh ngày 26/6

Vào thời điểm, khi số ca dương đã tăng hơn 8.400 ca, chủ yếu là các trường hợp đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thống nhất quan điểm "chống dịch như chống giặc", thực hiện mục tiêu kép nhưng trong lúc này, TP Hồ Chí Minh phải ưu tiên cao nhất, hiệu quả nhất cho việc chống dịch để đưa thành phố trở lại bình thường. Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch.

Tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "TẤT CẢ VÌ TP HỒ CHÍ MINH" và yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho thành phố phòng chống dịch, thực hiện bằng được ưu tiên cao nhất lúc này là ĐẢM BẢO sức khỏe, tính mạng của người dân LÀ TRÊN HẾT TRƯỚC HẾT. Đặc biệt tập trung những người mắc, nhanh chóng khỏi bệnh, với mục tiêu không để tử vong, yêu cầu chống dịch hiệu quả, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu.

Thủ tướng phân công 2 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng tham gia chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng, trách nhiệm của các Bộ ngành với TP Hồ Chí Minh, tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, đáp ứng các yêu cầu trong quyền hạn có thể để thành phố chống dịch hiệu quả.

Ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay: "Tôi đề nghị các đồng chí: phải rất thiết thực, rất cụ thể, phải bám sát tình hình thực tế đề điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Quân vào lúc nào, cơ sở vật vật, phương tiện kỹ thuật vào lúc nào, người vào lúc nào. Tóm lại phải hết sức cụ thể. Đề nghị các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp cho cái này. Các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, về sinh phẩm… đáp ứng tối đa cho thành phố, theo yêu cầu của thành phố. Tôi đề nghị sẵn sàng tinh thần này, kể cả tài chính đồng chí Phớc ạ. Tôi đề nghị, chúng ta với thẩm quyền của mình, mình quyết luôn không phải xin ý kiến nhiều. Chống dịch như chống giặc mà".

Lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá, việc phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần cho Thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận vì vậy, cũng đưa ra một số hướng dẫn, đề xuất, giải pháp hỗ trợ:

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo, chúng ta hết sức tích cực khẩn trương tiếp cận nguồn vaccine. Trong tháng 7, chúng ta có khoảng 8,7 triệu liều vaccine sẽ về đến Việt Nam. Trên nguyên tắc chúng ta ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và một số địa phương khác và ưu tiên cho những tỉnh có phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long

Sẽ ban hành một quy trình cứng về việc đi lại giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương, kể cả việc kiểm soát hàng hóa, kể cả trường hợp đặc biệt vận chuyển hành khách. Tùy theo tình hình, các địa phương có thể ban hành thêm một số yêu cầu để đáp ứng việc đi lại đảm bảo đúng theo quy trình và chúng ta có kiểm soát chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập ban chỉ đạo của Bộ Công Thương gồm 9 thành viên, do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và các Vụ trưởng các Vụ, Cục chức năng tham gia. Bộ Công Thương xin cam kết với Chính phủ và thành phố, cùng các tỉnh phía Nam đang có dịch sẽ phối hợp với các địa phương để cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống, góp phần cùng thành phố và các tỉnh phòng chống dịch thành công.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên

Trong hơn 3 tháng, kể từ Chính phủ được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng đã có 3 cuộc làm việc trực tiếp và 2 cuộc làm việc trực tuyến với TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên lúc này tại TP Hồ Chí Minh là tập trung kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để trở lại trạng thái bình thường, phát triển kinh tế - xã hội; coi chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết.

Nói về mong muốn lúc này với TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi không kỳ vọng sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16, sẽ không còn ca F0 xuất hiện trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể theo dõi, khống chế được việc lây lan ra ngoài cộng đồng. Từ đó, TP Hồ Chí Minh sẽ từng bước khống chế được dịch…".

Nhất trí với quan điểm của Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định: "Để hiện thực hóa việc phòng, chống dịch thành công, các biện pháp cần tất cả mọi người thực hiện nghiêm túc. Chúng ta hãy kiên trì và thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Khi đó, thành quả sẽ đến với chúng ta".

Có thể nói, người dân cả nước cùng rất hy vọng về mục tiêu này. Để đạt được điều đó, rất cần sự ủng hộ và chung tay, đồng lòng của mổi người dân, của cộng đồng. Đây cũng là hình ảnh vốn có của TP Hồ Chí Minh - một thành phố nghĩa tình, đó cũng chính là những hình ảnh xuyên suốt mà chúng ta thường thấy mỗi ngày.

TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca mắc mới kỷ lục, Bộ trưởng Y tế khẳng định hệ thống y tế vẫn trong tầm kiểm soát TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca mắc mới kỷ lục, Bộ trưởng Y tế khẳng định hệ thống y tế vẫn trong tầm kiểm soát TP Hồ Chí Minh vừa siết chặt từng khâu phòng dịch, vừa vận động người dân hiểu và chia sẻ khó khăn TP Hồ Chí Minh vừa siết chặt từng khâu phòng dịch, vừa vận động người dân hiểu và chia sẻ khó khăn TP Hồ Chí Minh chuẩn bị 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách xã hội TP Hồ Chí Minh chuẩn bị 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách xã hội

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước