Theo Bộ Y tế, 35% bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine xuất phát từ tâm lý sợ tác dụng phụ của vaccine.
Từ đầu tháng Tám đến nay, số ca mắc mới đang có xu hướng tăng dần với các biến thể phụ mới của chủng Omicron, số ca mắc trung bình mỗi ngày là khoảng 2.000 ca. Cùng với đó, số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng và xuất hiện các ca tử vong do COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường rà soát và triển khai truyền thông và tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát và siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh từ cấp cơ sở. Đồng thời bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh nhập viện để phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời hạn chế tử vong.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.
Các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Bộ Y tế yêu cầu đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các bệnh viện, các bác sỹ khuyến cáo người bệnh thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19, tránh bỏ sót ca bệnh khiến dịch bệnh lan rộng (khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19).
Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gene để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!