4 bài học từ thực tế để giảm thấp nhất trường hợp tử vong do COVID-19

Theo VGP-Thứ sáu, ngày 13/08/2021 18:39 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Y tế: Bên cạnh công tác dự phòng, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là ưu tiên trọng tâm đối với các địa phương trong giai đoạn hiện nay, để giảm tối đa các trường hợp tử vong. Ảnh: VGP/Nguyễn Nhiên

VTV.vn - Từ thực tiễn chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ ra 4 bài học kinh nghiệm.

Ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Hội nghị kết nối đến các điểm cầu cơ sở y tế trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, lực lượng khám, chữa bệnh, cùng hệ thống y tế dự phòng, các viện, các trường và toàn ngành y tế đã cùng nhau nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch. Lực lượng y tế luôn luôn sẵn sàng, cố gắng hết mình để phục vụ công tác phòng, chống dịch, giảm tỉ lệ tử vong tại các điểm nóng.

Trong chiến lược giảm tỉ lệ tử vong, Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh công tác dự phòng, việc điều trị là ưu tiên trọng tâm với các địa phương trong giai đoạn hiện nay, để giảm tối đa các trường hợp tử vong. Từ thực tiễn chống dịch, Bộ trưởng đã chỉ ra 4 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, công tác tổ chức khám, chữa bệnh nói chung và đặc biệt là điều trị bệnh nhân COVID-19 nói riêng, đã được thay đổi trên nguyên tắc tất cả người dân đều được tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế và đảm bảo tiếp cận nhanh, thuận tiện, chất lượng cho bệnh nhân.

Tại tuyến Trung ương, trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực.

Đối với các địa phương, Bộ Y tế có hướng dẫn chia tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó tầng 1 bao gồm các bệnh viện dã chiến, các địa điểm tại cộng đồng, kể cả tại gia đình… để quản lý và chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, theo điều kiện của từng địa phương.

"Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác khi số ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở; để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Tầng điều trị thứ 2 - vô cùng quan trọng, nên phải có đủ oxy cho người bệnh, thuốc kháng đông và kháng viêm. Tầng này là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng trung bình. Tại các cơ sở y tế có giường bệnh ngay bây giờ phải chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca nhiễm. "Nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này thì sẽ giảm nhẹ ca mắc và không làm tăng nặng ca nhiễm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị, các địa phương phải ngay lập tức rà soát tất cả các cơ sở y tế thuộc tầng điều trị này về bồn oxy, bình lớn chứa oxy…

Tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực. Bộ trưởng yêu cầu tất cả các địa phương phải chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị cho tầng điều trị này. Riêng nhân lực phải sử dụng được máy thở xâm nhập.

"Các địa phương cần rà soát lại các tầng điều trị trên địa bàn, trên nguyên tắc tăng công suất tối đa của các tầng điều trị, để khi dịch xảy ra, các địa phương không hoang mang, bị động", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thứ hai, các địa phương phải chuẩn bị về nhân lực cho phòng chống dịch, đặc biệt cho công tác điều trị, phải huy động tối đa nguồn lực tại chỗ, bao gồm cả y tế công lập và y tế tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý việc phải thường xuyên, liên tục đào tạo về chuyên môn sử dụng máy thở cho nhân viên y tế; đào tạo về thực hành chia ca, chia kíp trực; đào tạo về đảm bảo phòng hộ trong thực hiện nhiệm vụ, "nói thì đơn giản nhưng bắt tay vào việc thì không dễ, ngay cả cách thức mặc, cởi quần áo bảo hộ cho đến cách đeo khẩu trang".

Thứ ba, về thiết lập các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực, Bộ trưởng lưu ý các địa phương nên chọn mặt bằng sẵn, cũng như có sẵn các trang thiết bị để trong trường hợp cần thiết triển khai ngay. UBND tỉnh, thành phố, sở y tế có quyền thành lập các trung tâm này ngay, để phục vụ cho việc chăm sóc bệnh nhân.

Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng hơn với tất cả các loại thuốc. Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ virus.

Hiện nay, Hội đồng đạo đức, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai khi có thuốc.

Bộ Y tế cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể sản xuất thuốc này, trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.

Ngoài ra, với các thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng hiện nay, chúng ta đang có hỗ trợ thuốc Remdesivir (đã về một đợt) và một số thuốc kháng virus khác. "Thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng rộng hơn", Bộ trưởng nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước