4 nhóm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại Việt Nam

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ sáu, ngày 25/09/2020 11:07 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 chiều 24/9. Ảnh: VGP.

VTV.vn - Tại cuộc họp chiều 24/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xác định Việt Nam có 4 nhóm nguy cơ lây nhiễm, người dân cần đề cao cảnh giác.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; do đó, cần lưu ý bài học dịch bệnh quay trở lại sau khi nới lỏng giãn cách ở một số nước như Pháp, Indonesia, Phillipines, Myanmar…

Các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, mùa đông đang đến gần; công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn hơn do virus SARS-CoV-2 phát triển ở điều kiện nhiệt độ thấp, khí hậu khô. Các chuyên gia cảnh báo tâm lý chủ quan, lơ là đã xuất hiện trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hơn 3 tuần liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Trên cơ sở nhận định diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước, các thành viên Ban Chỉ đạo xác định các nhóm nguy cơ dịch bệnh từ: Người nhập cảnh bất hợp pháp; người nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, trích dẫn cảnh báo của chuyên gia quốc tế, các ý kiến cho rằng cần cảnh giác nguồn bệnh có sẵn trong cộng đồng cũng như một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Phân tích đợt chống dịch tại Đà Nẵng thời gian qua, các ý kiến cho rằng cần lưu ý bài học khi để dịch bệnh xâm nhập vào nơi "xung yếu của xung yếu" - các khoa có bệnh nhân nặng của bệnh viện. Khi dịch bệnh xuất hiện tại bệnh viện nhưng không phát hiện kịp thời do không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19, khoảng 2 tuần sau đó mới phát hiện (khoảng từ 7/7 đến 23/7) khiến dịch lây nhanh trong các khoa bệnh nặng.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, quy định cách ly tại khách sạn thực hiện còn lỏng lẻo ở khâu đón người từ sân bay đến cơ sở cách ly. Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định các khách sạn đủ điều kiện làm cơ sở cách ly nhưng chưa có lực lượng cùng điều hành, kiểm tra, giám sát. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện cách ly, đặc biệt trong thời gian tới khi mở cửa các đường bay thương mại quốc tế.

4 nhóm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh: VGP

Từ những nhận định nêu trên, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, chủ yếu trên đường bộ; quản lý chặt chẽ người nhập cảnh hợp pháp. Đặc biệt, các ý kiến thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó lưu ý thực hiện nghiêm khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Bên cạnh biện pháp mang tính khuyến nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh cần có quy định mang tính bắt buộc trong phòng, chống dịch, có biện pháp xử phạt người vi phạm.

Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế rà soát các hướng dẫn, quy trình phòng, chống dịch bệnh; chuyển thành danh sách đầu việc chi tiết (check-list) để hướng dẫn trên tinh thần "chi tiết đến tận từng cơ sở". Để thực hiện việc này, người đứng đầu bệnh viện kiểm tra định kỳ việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; báo cáo trực tuyến, cập nhật lên "bản đồ chống dịch". Đồng thời, Bộ Y tế khuyến nghị người dân chỉ nên khám, chữa bệnh tại những bệnh viện, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trong các trường học thực hiện "check-list" phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn trong trường học; từ đó lan tỏa ra cộng đồng, đặc biệt trong các công sở, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh…; góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch của từng người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị, trừ những trường hợp cấp cứu; rà soát, siết chặt việc thực hiện phân luồng trong bệnh viện; hướng dẫn cụ thể trường hợp xét nghiệm khi nghi mắc COVID-19.

Bộ Y tế tăng cường, đổi mới các phương án xét nghiệm; tăng cường năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước