Lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ Xô - Việt đã diễn ra sáng 21/7 tại Hà Nội, do Hội hữu nghị Việt Nga và Quân chủng phòng không - Không quân tổ chức.
Trong 8 ngày trên không gian, phi công Phạm Tuân đã thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất. Ở vòng thứ 20, con tàu bay qua địa phận Việt Nam, phi công Phạm Tuân vô cùng xúc động khi được nhìn Tổ quốc từ vũ trụ.
Phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ năm 1980.
8 ngày ngoài không gian, Phạm Tuân đã tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học có giá trị như: thí nghiệm Hạ Long 1, Hạ Long 2, thí nghiệm hồ quang, thí nghiệm phân cực... Ngoài ra, Phạm Tuân còn phải tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực.
Lá cờ Tổ quốc, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác… khi đóng dấu Trạm vũ trụ cũng là khẳng định người Việt Nam sánh vai cùng với quốc tế, đã có mặt trên vũ trụ bao la. Đây là con tàu vũ trụ đã đưa hai nhà du hành Gorbatko và Phạm Tuân lên không gian, trước khi kết nối với trạm Chào mừng 6.
Những hình ảnh về người Việt đầu tiên bay vào vũ trụ được chiếu qua tivi năm 1980 đã làm nức lòng người dân Việt Nam. Sau khi trở về, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã tổ chức trọng thể 2 nhà du hành vũ trụ. Sự có mặt của người Việt Nam trên vũ trụ đã thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhà nước ta với khoa học công nghệ, nhất là bối cảnh đất nước mới giải phóng được 5 năm, còn bao bộn bề.
Chuyến bay 40 năm trước đã mở ra kỷ nguyên mới, chinh phục bầu trời. Với người dân Việt Nam, chuyến bay còn thể hiện tình cảm chân thành, sâu sắc, sự giúp đỡ của đất nước Liên Xô lúc đó với nhân dân Việt Nam. Lễ kỷ niệm năm nay thiếu vắng anh hùng Gorbatko bởi người bạn lớn của Việt Nam đã ra đi nhưng chắc chắn rằng tình cảm ông dành cho nhân dân Việt Nam, ý nghĩa chuyển chuyến bay lịch sử 40 năm trước không bao giờ mờ phai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!