6 cơ chế đặc thù – cú hích cho Cần Thơ phát triển xứng tầm

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 13/01/2022 05:22 GMT+7

VTV.vn - Cần Thơ được thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm kể từ ngày 1/3 tới. Cần Thơ sẽ tận dụng và phát huy thế nào với chính sách đặc thù này?

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Đây được coi là động lực giúp thành phố phát triển, phát huy vai trò trung tâm vùng ĐBSCL. Nghị quyết cũng được cho là sẽ tạo nguồn lực cho thành phố đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cú hích lớn là nhận định và kỳ vọng của nhiều chuyên gia khi nói về Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ mà QH vừa thông qua. Với diện tích hơn 1.400 km2, gồm 9 quận, huyện với hơn 1,2 triệu dân, Nghị quyết được xem là không chỉ giúp Cần Thơ tăng tốc phát triển mà còn phát huy vai trò trung tâm vùng ĐBSCL rộng lớn và nhiều tiềm năng.

6 cơ chế đặc thù cho Cần Thơ

1. Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước: Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

HĐND TP quyết định áp dụng trên địa bàn TP đối với một số loại phí, lệ phí... Trong đó ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác...

2. Về quản lý đất đai: HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng.

3. Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.

4. Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức: Thực hiện cơ chế tạo nguồn cho cải cách tiền lương theo quy định; HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

5. Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đảm bảo một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi.

6. Áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Với cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ được thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn để Cần Thơ phát huy các tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh. Đây là điều mà Chính quyền và người dân rất chờ mong.

TP. Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm của vùng. Do đó, để giải quyết tốt những vấn đề phát triển đối với Cần Thơ, một trong các yếu tố quan trọng là việc phê duyệt, triển khai Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL.... Chính sách phát triển tổng thể cho vùng ĐBSCL và nghị quyết mà Quốc hội thông qua lần này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết nội vùng theo hướng bền vững, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển TP. Cần Thơ mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của các địa phương khác trong vùng.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 12/1 sẽ cùng thảo luận để làm rõ hơn về chủ đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước