60 năm trước, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Trong suốt 10 năm, từ năm 1961 - 1971, hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có khoảng 60% là chất da cam có chứa dioxin, đã được quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam.
- 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
- Hơn 3 triệu người là nạn nhân.
- Di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4 ở Việt Nam.
- 28 "điểm nóng" ô nhiễm dioxin đe dọa sức khỏe con người
Năm 2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là Ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam".
Năm 2009, Hội đồng Hòa bình Thế giới ra Nghị quyết lấy ngày 10/8 hàng năm là Ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm địa điểm xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai. Nơi Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án (năm 2018). (Ảnh: TTXVN)
6 thập kỷ đã qua nhưng vẫn có hàng triệu người dân đang phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trong những năm qua, Nhà nước, các cơ quan và nhân dân trong cũng như quốc tế đã dành cho các nạn nhân chất độc da cam sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Bên cạnh đó, không ít người trong số họ đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên để làm chủ cuộc sống và cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội.
Kể từ năm 2004, nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam đã được triển khai nhờ vào sự chung tay của Nhà nước và nhiều cá nhân, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài.
Cả nước hiện có 12 làng Hòa Bình, làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật do ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Ngoài ra, 26 trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước, thực hiện tốt việc xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam.
Bên cạnh nỗ lực và ý chí của bản thân mỗi nạn nhân da cam, thì sự hỗ trợ của Chính phủ, của các tổ chức trong và ngoài nước góp phần quan trọng, giúp các nạn nhân chất độc da cam cải thiện sức khỏe và từng bước làm chủ cuộc sống của mình.
Trong những năm qua, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó khắc phục hậu quả da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam đã trở thành một ưu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ. Không chỉ đơn thuần là một hoạt động quan hệ ngoại giao, đó còn là những nghĩa cử hàn gắn vết thương chiến tranh và kết nối 2 quốc gia vốn ở 2 đầu chiến tuyến.
Sân bay Đà Nẵng từng là sân bay quân sự và là một trong những bãi tàng trữ chất độc da cam/dioxin lớn nhất của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1961-1971. Tại đây, hàm lượng dioxin trong đất có nơi vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Mỹ 365 lần, trong động vật thủy sinh vượt hơn 5 lần, thực vật thủy sinh vượt hơn 3.700 lần so với tiêu chuẩn. Người dân sống lân cận khu vực này bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng và có dấu hiệu phơi nhiễm dioxin.
Bắt đầu triển khai từ năm 2012, dự án Xử lý Môi trường tại sân bay Đà Nẵng có kinh phí 110 triệu USD được thực hiện với sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Sau thành công của dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng, dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa - một điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất hiện nay tại Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai. Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết 300 triệu USD để xử lý ô nhiễm tại đây và các khu vực xung quanh.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhất trí thúc đẩy Dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa. Sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ cũng như các tổ chức quốc tế sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý hậu quả của chất độc da cam dioxin đối với môi trường.
Trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc da cam, nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngay từ khi Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh hoá học ở Việt Nam cho đến nay, chính những người yêu hòa bình, những người Mỹ chân chính đã đứng về phía các nạn nhân chất độc da cam để kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho họ, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới cúng đứng về phía công lý để đòi lại
Tháng 10 /2009, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) họp tại Damas, Syria, đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Vậy là một lần nữa, trên bình diện quốc tế, người dân yêu chuộng hòa bình lại thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết mạnh mẽ với các nạn nhân chất độc da Việt Nam.
Từ năm 2004 đến năm 2009, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADJ) đã tổ chức Toà án Công luận quốc tế xét xử 37 công ty hoá chất của Mỹ đã cung cấp chất độc hoá học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều diễn đàn tuyên truyền về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam và vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế tiến hành.
Tại Mỹ, tổ chức Cựu binh Mỹ vì hòa bình đã và đang tiếp cận với các thượng nghị sỹ Mỹ để thông tin về những tác hại của chất độc da cam đối với môi trường và con người Việt Nam có thể được trình bày trước quốc hội Mỹ. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình thông qua các gói hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân da cam của Chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, nhóm các cựu chiến binh Mỹ và các nhà hoạt động xã hội tại Mỹ còn thực hiện một bộ phim tài liệu "Loài người đối diện với chất độc da cam", nói về những tác hại khủng khiếp của chất độc da cam đối với con người. Bộ phim mới được phát hành tại Mỹ với mong muốn thu hút sự chú ý và ủng hộ của dư luận tới vấn đề này.
Hội hữu nghị với Việt Nam của tám nước Ðức, Anh, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Sỹ và Thụy Ðiển đã ra tuyên bố ủng hộ "lời kêu gọi của các luật gia quốc tế đòi Mỹ phải có trách nhiệm trong việc sử dụng chất diệt cỏ trong cuộc chiến Việt Nam.
Rất nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho các nạn nhân da cam Việt Nam trong suốt nhiều năm qua đã mang lại sức mạnh tinh thần lớn lao cho các nạn nhân chất độc da cam, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân thế giới về những hậu quả mà chiến tranh hóa học gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!