65% số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam không có triệu chứng

Ban Thời sự, Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 14/05/2021 19:50 GMT+7

VTV.vn - Hiện có hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại hơn 50 cơ sở y tế trên cả nước. Trong đó, gần 65% không có biểu hiện lâm sàng; 29% có triệu chứng nhẹ.

Các chuyên gia nhận định đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.

Qua giải trình tự gene cho thấy biến chủng virus tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ đã xâm nhập vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Nhiều bệnh nhân tại đó trong 10 ngày đầu không có biểu hiện viêm đường hô hấp như sốt, ho, khó thở. Vì vậy, nếu chỉ sàng lọc bằng cách đo thân nhiệt, hỏi dịch tễ, các cơ sở y tế rất khó phát hiện người mắc. Ngay cả trường hợp được chụp X-quang phổi cũng không thể phát hiện viêm phổi do virus.

65% số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam không có triệu chứng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, nếu sàng lọc chỉ trông chờ vào triệu chứng thì rất dễ bỏ lọt. Vì vậy, việc khai báo y tế trung thực, trong đó tiền sử dịch tễ rất quan trọng. Và chỉ có xét nghiệm mới phát hiện ra được ca bệnh. Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường năng lực xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm.

Còn theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận 10 dòng SARS-CoV-2 và hiện tại đang có 3 dòng virus đang lưu hành phổ biến trong đợt dịch thứ 4 ở miền Bắc. Tuy nhiên, các biến thể này không làm ảnh hưởng tới việc phát hiện bệnh hiện nay.

Dòng thứ nhất là biến thể B.1.617 của Ấn Độ, ghi nhận ở 9 tỉnh, thành phố bao gồm: Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương,Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh và Hà Nội, ngoài ra, còn ghi nhận cả ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Dòng thứ 2 là biến thể B.1.1.7 của Anh, phát hiện ở Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương.

Dòng thứ 3 là biến thể B.1.1.316 phát hiện ở Nam Định và chỉ ghi nhận ở người nhập cảnh.

Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các biến thể này không làm ảnh hưởng tới việc chẩn đoán, phát hiện bệnh COVID-19 hiện nay ở VIệt Nam. 

Riêng với biến thể mới của Ấn Độ là B.1.617, theo nghiên cứu mới nhất của thế giới, có một đột biến quan trọng có thể kháng với kháng thể dùng để điều trị bệnh COVID-19, vì vậy, chủng này có khả năng tăng lây nhiễm cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước