8 dấu ấn nổi bật của công tác dân số Việt Nam năm 2021

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 31/12/2021 06:01 GMT+7

VTV.vn -Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (26/12/1961-26/12/2021), bằng những nỗ lực của mình, ngành Dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Thư Chủ tịch nước chúc mừng 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam

Nhân dịp 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng ngành Dân số, biểu dương các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Dân số, nhất là đội ngũ ở cơ sở mà nòng cốt là các cộng tác viên dân số. Đây là nguồn động viên khích lệ lớn đối với đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cả nước.

Bộ ngành, địa phương trên cả nước kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, bằng những nỗ lực của mình, công tác dân số đã đạt được những thành tựu quan trọng. Có thể nói, đây thực sự là một cuộc cách mạng trong sinh đẻ: từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên sang việc sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch. Từ việc mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình có 6,3 con (1960) đã giảm xuống 3,74 con (1992) và 2,09 con (2006), đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đề ra và duy trì vững chắc trong suốt 15 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực.

8 dấu ấn nổi bật của công tác dân số Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

Dân số và tỷ lệ gia tăng dân số ở Việt Nam, 1960-2020

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng với nhóm dân số trong độ tuổi lao động rất lớn, tạo đà cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chấn hưng dân tộc.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tăng thêm 33,7 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73,7 tuổi năm 2020 cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

15 năm liên tục duy trì mức sinh thay thế

Năm 2006, nước ta đạt mức sinh thay thế với số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là 2,1 con. Đây là một thành tựu rất lớn của nước ta sau một thời gian dài, bền bỉ, kiên trì với công tác dân số. Với 45 năm nỗ lực không ngừng, kể từ năm 1961 mức sinh giảm được từ 6,4 con xuống còn 2,1 con.

Như vậy trải qua 3-4 thế hệ sinh đẻ, chúng ta thành công đạt được mức sinh thay thế. 15 năm qua (2006-2021) mức sinh thay thế được duy trì trên phạm vi cả nước. Điều mà không nhiều nước làm được. Việc khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, mức sinh giảm, mức chết giảm, tuổi thọ người dân ngày càng gia tăng đã tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao chất lượng dân số, chăm lo đời sống nhân dân, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, gắn dân số với phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.

Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số năm 2021 được phát động từ ngày 06/9/2021 do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam thực hiện và Lễ Tổng kết trao giải diễn ra ngày 15/12/2021 đã đạt kết quả cao so với kế hoạch và mục tiêu đề ra.

8 dấu ấn nổi bật của công tác dân số Việt Nam năm 2021 - Ảnh 2.

BTC và các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm

Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số được các cấp từ trung ương đến địa phương hưởng ứng tích cực, 17 cơ quan báo chí và 28 chi cục DS-KHHGĐ có các tác phẩm tham dự, 63 Chi cục DS-KHHGĐ trên cả nước đều triển khai phát động giải. Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số là một giải báo chí chuyên ngành nhưng nhận được số lượng tác phẩm gửi về tham dự giải đạt mức cao cả về số lượng và chất lượng. Có 608 tác phẩm tham dự, trong đó Báo in 293 tác phẩm chấm sơ khảo và vào chung khảo 20 tác phẩm; Báo điện tử 315 tác phẩm sơ khảo và vào chung khảo 20 tác phẩm, 24 tác phẩm là không phù hợp với thể lệ giải và đã bị loại. Tổng kết giải 15 giải cá nhân và 15 giải tập thể.

Giải báo chí đầy ý nghĩa này là một hoạt động thiết thực, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với ngành Dân số, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về dân số trong giai đoạn mới.

Chuyển đổi số trong công tác dân số được đẩy mạnh triển khai

Truyền thông dân số trên nền tảng công nghệ số được thúc đẩy mạnh mẽ. Phát triển 04 kênh truyền thông trên nền tảng công nghệ số (YouTube, Fanpage Facebook, Zalo, TikTok) nhằm đăng tải thông tin cập nhật về công tác dân số. Các nội dung tọa đàm, phóng vấn, các thông điệp phát thanh, truyền hình, tài liệu truyền thông được phổ biến lan tỏa trên các kênh này.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các vấn đề dân số trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tittok, Zalo, Youtube... như cuộc thi "Thử thách làm tuyên truyền viên dân số" trên nền tảng tiktok nhằm giúp các bạn trẻ, các cặp vợ chồng có kiến thức để chủ động tránh thai, chủ động tương lai của bản thân; Cuộc thi sáng tạo clip "Hiểu về S-Health - Bạn của người cao tuổi" trên mạng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng như đảm bảo sự hội nhập, tiếp cận công nghệ thông tin cho người cao tuổi.

Xây dựng và phổ biến các ứng dụng cung cấp thông tin về dân số như: "Là con gái để tỏa sáng" về các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; "S-Health" về các vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; "Sống chủ động" về các vấn đề sử dụng biện pháp tránh thai.

Nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng về các nội dung dân số được phê duyệt triển khai thực hiện trong năm 2021

Ngày 20/01/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 403/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện "Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030".

Ngày 24/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 2539/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện "Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030".

Ngày 28/08/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 4157/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện "Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030".

Ngày 26/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Công văn số 4275/BYT-TCDS hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch thực hiện "Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025".

Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch Trung tâm Tuổi già Năng động và Sáng tạo ASEAN (ACAI)

Năm 2020, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định thành lập ACAI. Tổng cục DS - KHHGĐ là đại diện tư cách thành viên Việt Nam tại ACAI. Tháng 7/2021, tại Phiên họp đầu tiên của Hội đồng ACAI, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú được bầu là Phó Chủ tịch Hội đồng ACAI nhiệm kỳ 2021-2023.

8 dấu ấn nổi bật của công tác dân số Việt Nam năm 2021 - Ảnh 3.

Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về già hóa năng động, sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ASEAN

Trong năm 2021, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về già hóa năng động, sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ASEAN. Đây là sáng kiến của Việt Nam và là một trong những hoạt động đầu tiên của ACAI. Hội thảo nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác phát triển hướng đến xây dựng một cộng đồng ASEAN già hóa khỏe mạnh, năng động và sáng tạo.

Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân số giai đoạn 2021-2025

Tổng cục DS-KHHGĐ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân số giai đoạn 2021-2025 với Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển Bộ Công an; Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội KHHGĐ Việt Nam và Hội Người Mù Việt Nam.

Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân số giữa Tổng cục DS-KHHGĐ và các bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động dân số, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu về dân số và phát triển gồm: duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước