Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, đại dịch COVID-19 sẽ không bỏ qua bất cứ người nào. Ai cũng có thể nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có những nhóm đối tượng dễ bị COVID-19 tấn công và cũng có những nhóm nguy cơ diễn tiến nặng hơn những người khác một khi đã nhiễm COVID-19.
Nhóm đối tượng nào có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID-19?
- Người trên 60 tuổi
- Phụ nữ có thai
- Trẻ nhỏ
- Những người có bệnh lý nền (bệnh mãn tính) như cao huyết áp, tiểu đường, tim phổi, béo phì, ung thư…). Khi nhiễm COVID-19, các bệnh lý nền sẽ diễn tiến trở lại. Khi hai yếu tố đó kết hợp với nhau khiến bệnh nhân diễn biến nặng.
Tuy nhiên, ngoài các nhóm đối tượng trên, người bình thường mắc COVID-19 vẫn có xu hướng diễn biến nặng, vì vậy mỗi người nên cẩn trọng, bảo vệ sức khỏe bản thân trước dịch bệnh.
Ngày 31/7 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 trong đó có 4 tiêu chí gồm nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao.
1. Nhóm nguy cơ thấp
- Dưới 45 tuổi, không mắc bệnh lý nền.
- Tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày.
- Sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, chỉ số SpO2 từ 97% trở lên.
2. Nhóm nguy cơ trung bình
- Từ 46-64 tuổi, không có bệnh lý nền.
- Sức khỏe có dấu hiệu bất thường như sốt trên 37,5 độ, ho, đau họng, rát họng, đau ngực…
- Chỉ số SpO2 từ 95%-96% hoặc người dưới 45 tuổi và mắc 1 trong các bệnh lý nền.
3. Nhóm nguy cơ cao
- Từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền.
- Phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi.
- Chỉ số SpO2 từ 93% đến 04%
4. Nhóm nguy cơ rất cao
- Từ 65 tuổi trở lên và mắc 1 trong các bệnh lý nền.
- Người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu.
- Chỉ số SpO2 từ 92% trở xuống.
- Người bệnh đang thở máy, mở ống nội khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.
Nhóm này được chỉ định nhập viện ngay đến bệnh viện thuộc tầng 3 của tháp điều trị hoặc các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Bác sĩ tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, theo dõi, phát hiện các biến chứng để điều trị, xử lý kịp thời.
Vaccine COVID-19 - Giải pháp giảm thiểu rủi ro, nguy hiểm cho nhóm đối tượng nguy cơ
Theo thông tin từ Bộ Y tế, có khoảng gần 20% số bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày.
Hiện tại, COVID-19 chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vaccine, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh. Trong đó, tiêm phòng vaccine COVID-19 được đánh giá là một trong những biện pháp hiệu quả giúp giảm thiểu rủi ro cho những nhóm đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng nói riêng và toàn cộng đồng nói chung.
Tính đến ngày 11/8/2021, Việt Nam đã tiêm 11,3 triệu liều vaccine COVID-19.
Những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng và cả người bình thường, khỏe mạnh, khi được tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch chủ động, có tác dụng bảo vệ cơ thể, từ đó ít có nguy cơ mắc bệnh hơn và nếu có mắc thì cũng nhẹ hơn và ít biến chứng hơn.
Tuy nhiên, dù đã tiêm vaccine, chúng ta cũng vẫn cần thực hiện tốt nguyên tắc 5K để bảo vệ chính mình và cộng đồng.
Trước làn sóng đại dịch COVID-19 bùng nổ như hiện nay, lá chắn giúp bảo vệ chúng ta và người thân chính là tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức phòng dịch, thực hiện nguyên tắc 5K cũng giúp cho chúng ta sớm chiến thắng đại dịch này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!