Huyện Cẩm Xuyên là "rốn" lũ của tỉnh Hà Tĩnh. Khi nước trên sông Ngàn Sâu vẫn duy trì trên mức báo động 2 do hồ Kẻ Gỗ vẫn điều tiết lượng lớn xuống hạ du thì người dân vùng lũ Cẩm Xuyên đã bước qua ngày thứ 5 bị chia cắt do nước lũ.
Con đường độc đạo dẫn vào thôn 8, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên chỉ cách đường Quốc Lộ chừng 200m nhưng người dân phải bị "cách ly" vài ngày nay. Nước ở đây ngập sâu, những ngôi nhà tạm trú là minh chứng cho phương châm "bốn tại chỗ" rất hiệu quả.
Ngôi nhà 4 tầng chưa kịp hoàn thiện của ông Nguyễn Thừa Huấn (thôn 8) vẫn đủ trở thành nơi trú ẩn ấm áp của 300 con người trong xã Cẩm Quang. Cộng thêm những phần lương thực cứu trợ của chính quyền tạm làm vơi đi nỗi đau mất mùa màng, gia súc của bà con.
"Chúng tôi mất hết trâu bò rồi, may mà còn giữ được mạng sống của mình. Chúng tôi cảm ơn tấm lòng của bà con hàng xóm và chính quyền các cấp đã quan tâm chúng tôi trong lúc khó khăn này" - bà Nguyễn Hồng Vân, thôn 8 chia sẻ.
Ông Nguyễn Thừa Huấn cho biết: "Bà con rất đoàn kết. Gia đình cũng giúp đỡ bà con hết cỡ. Nhà tôi cũng chứa được hơn 300 người".
Nhà của ông Huấn là một trong vài ngôi nhà trú ẩn giàu tình người ở thôn 8 trong những ngày lũ dữ. Cơn lũ năm nay có mực nước cao hơn cả mét so với lũ lịch sử 2010, nỗi âu lo càng hằn sâu vào cuộc sống của người dân Cẩm Xuyên.
Ông Nguyễn Thừa Thiết, xóm 8 chia sẻ: "Dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng nỗ lực vượt qua khó khăn, làng xóm có nhau".
Đợt lũ này, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 25.000 người dân phải đi sơ tán, riêng Cẩm Xuyên chiếm đến 2/3. Ưu tiên lúc này của Hà Tĩnh là đảm bảo an toàn tối đa về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Nước lũ vẫn còn cao và diễn biến phức tạp trong những ngày tới ở Hà Tĩnh. Khi nước rút đi, người dân vùng lũ sẽ còn đối mặt sự thiếu thốn cây con giống, rất cần sự trợ giúp dài hạn nhằm khôi phục sản xuất, mưu sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!