Câu chuyện bắt đầu khi một thanh niên có tên viết tắt là H - một người được cộng đồng mạng ví von như thám tử Conan ngoài đời thực bởi khả năng truy tìm sự thật, quyết định tung ra những bằng chứng cho thấy: một kênh TikTok có hơn 1,2 triệu người theo dõi đã đăng tải nhiều thông tin chưa đúng sự thật về đời tư của nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Cảm thấy bị thách thức, thay vì đối đầu trực tiếp anh H, kênh này trả đũa bằng cách tung liên tiếp nhiều clip chứa những thông tin đời tư nhạy cảm, được cho là có liên quan đến cô gái tên gọi tắt là PN - là bạn gái của anh H. Đây cũng chính là khởi đầu dẫn đến loạt ồn ào hiện tại.
Đã có tới 11 clip kênh này đăng để đáp trả anh H và bạn gái PN. Bất chấp thông tin chưa xác thực, các clip đều thu về lượt quan tâm lớn, lên tới hàng triệu lượt xem cùng hàng nghìn lượt bình luận.
Những nhân vật trong câu chuyện vừa rồi đều đã được ẩn danh để bảo vệ chính họ và người thân khỏi những phiền phức khi danh tính bị công khai trên sóng truyền hình. Ấy vậy nhưng không phải sự ẩn danh nào cũng mang dụng ý tốt, đôi lúc nó lại chính là cách thức để việc tung tin đồn hay hạ bệ một ai đó trở nên dễ dàng hơn. Ranh giới giữa việc bóc trần sự thật và bôi nhọ, vi phạm phát luật vô cùng mong manh. Hành vi "bóc phốt" nhau trên mạng xã hội, hại người hay lại hại chính mính?
Và gần đây trên mạng xã hội TikTok, có một tài khoản đang được ví như Death Note phiên bản Việt bởi chỉ cần một nghệ sĩ, một người nổi tiếng được ghi tên trên trang tiktok này, dù là thông tin chưa được kiểm chứng những vẫn đủ khiến cho danh tiếng và hình ảnh của những người được gọi tên tổn hại ít nhiều.
Trên thực tế, việc phơi bày đời tư của người khác lên MXH luôn đánh trúng tâm lý tò mò của đám đông và ngay lập tức tạo ra làn sóng hiếu kỳ chóng mặt cùng cơn bão bình luận có phần tiêu cực, khiếm nhã, nào là "cô ấy không khóc vì nhận ra lỗi lầm, cô ấy khóc vì bị áp lực" hay "đang trong quá trình tẩy trắng ấy mà" đỉnh điểm còn có những câu chữ đầy ác ý kích động việc quyên sinh. Con số 44 này chẳng hạn, nó được chia sẻ dày đặc, nó được ngầm hiểu và dịch ra với ý nghĩa là "TỰ TỬ". Dù chỉ là vài dòng ký tự nhưng những bình luận mang màu sắc tiêu cực này rõ ràng đang góp phần dồn nạn nhân vào tận cùng bi kịch.
Như câu chuyện được tóm tắt ở phần đầu, ban đầu khi đón nhận thông tin, cô gái trong câu chuyện đã không ngần ngại đăng clip và đề cập thẳng đến kênh tung tin đồn. Sau đó, cô gái này vẫn vui vẻ giới thiệu vào một chương trình hẹn hò sắp phát sóng như chưa từng có vấn đề gì. Tuy nhiên, đến đêm 27/6, cô bất ngờ livestream khóc nức nở và có những dấu hiệu bất ổn cùng những câu từ đề cập đến việc không muốn tiếp tục sống. Đó là một trong những thời điểm thấy rõ nhất những áp lực MXH gây ra lớn đến mức nào.
Chúng ta không lạm bàn về những yếu tố đúng sai trong sự việc này, bởi chính những người trong cuộc đã lên tiếng sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng việc dồn một cô gái trẻ đến đường cùng chưa bao giờ là hành vi đúng đắn. Và điều đáng buồn là những sự việc như thế này không phải giờ mới diễn ra, đã có rất nhiều vụ việc có tính chất tương đồng.
Khi những nạn nhân của tin đồn bị dồn tới chân tường
Bị tung những tin đồn thất thiệt về bản thân, một cô gái trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực mạng chỉ khi mới học cấp 2.
"Các bạn lớp khác chưa từng tiếp xúc với mình nhưng họ sẵn sàng nói về mình với những điều như thế. Bản thân mình chỉ biết khóc, tự cho rằng mình rất tệ, mất niềm tin vào cuộc sống. Thậm chí mình không biết mình lỗi gì mà các bạn lại nói như thế. Hậu quả là có một khoảng thời gian lên cấp 3 mình bị tự ti kinh khủng khiếp. Mình không bao giờ tin vào khả năng của mình nữa, mình là một đứa tệ, một đứa mít ướt, suy nghĩ rất là nhiều và làm quá lên mọi thứ, rất là dông dài" - nhân vật giấu mặt chia sẻ.
Từ một cô gái tự tin về bản thân nay trở thành một người sống khép kín và luôn hoài nghi về bản thân mình. Do vậy, ngay cả khi những người bị bạo lực mạng có mạnh mẽ vượt qua, thì đằng sau đó, hệ quả để lại không hề bị mất đi. Những sai lầm của tuổi trẻ cũng từng khiến chàng trai này có suy nghĩ dại dột là từ bỏ cuộc sống.
"Năm đó em học lớp 11, em có mối quan hệ với một bạn ở trên mạng, em có tin tưởng và gửi một số hình ảnh thân mật của mình cho họ và bị leak lên. Nhiều thông tin tiêu cực về em mà các bạn bịa ra, nói là thằng này có một lối sống không được tích cực, thậm chi đồn em với các bạn em đến mức em không thể nghĩ họ có thể tưởng tượng ra những điều như vậy. Em bất lực, lúc đó em có suy nghĩ là hay là mình tự tử để thay đổi sang một cuộc đời mới. Những người lạ trên mạng họ thường xuyên gửi lại cho em những cái đó khiến mỗi lần như vậy mình lại nhớ lại một lần, một cảm giác rất kinh khủng mà em không bao giờ muốn nhớ lại" - nhân vật giấu mặt chia sẻ.
Cứ như vậy, nhiều người tiếp tục chịu đựng những sự dày vò khi vẫn đang mải loay hoay tìm kiếm cách để nói ra. Mạng xã hội khiến ta nổi tiếng chỉ trong vài giây nhưng cũng có thể vùi dập chúng ta ngay tức khắc. Đằng sau những lời tán dương về hình ảnh người anh hùng cứu người trong đám cháy, khi Tuấn quyết định thay đổi với công việc mới là livestream bán hàng thì cũng là lúc nhiều người sẵn sàng quay lưng.
"Mấy ngày hôm nay em bị ảnh hưởng khá nhiều vì em không muốn lên mạng xã hội nữa, những comment tiêu cực bảo thằng này là anh hùng mà lại đi bán hàng, có cả những bình luận tiêu cực bảo rằng sao không chết luôn trong đám cháy đó đi cho đúng ý người ta. Có những buổi live em phát khóc lên vì họ spam quá nhiều. Có nhiều bạn còn giả mạo thông tin em để đi xin tiền và bán sản phẩm kém chất lượng. Em hiện tại đang muốn là buông bỏ tất cả những danh hiệu mà mọi người tự cho em. Em chỉ là người bình thường thôi" - Anh Đồng Văn Tuấn - Tỉnh Nam Định chia sẻ.
Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý. Nếu không thể giúp, nếu không muốn đồng hành với họ thì cũng đừng làm họ khổ đau hơn.
Theo một khảo sát vào năm 2023 của chương trình nghiên cứu internet và xã hội của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chỉ ra rằng: 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; gần 62% từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và gần 47% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.
Thực tế là rất khó để xử lý những tài khoản như thế này. Cách đây chưa lâu, Nguyễn Thị Mỹ Dung (nghệ danh Midu) đã gửi đơn kiện kênh tiktok có hơn 1 triệu người theo dõi vì đưa những thông tin tiêu cực chưa xác thực về mình mà cụ thể là chuyện tình cảm cá nhân của cô. Tuy nhiên, có vẻ như việc bị cơ quan chức năng mời làm việc không khiến kênh Tiktok này thay đổi, họ cho biết đây là " lần thứ n" họ bị nghệ sĩ khởi kiện hay yêu cầu gỡ video. Kể cả khi đã bị Midu khởi kiện, kênh tiktok này vẫn đăng tải nhiều video" bóc phốt" khác với thái độ đầy thách thức. Đáng nói, trong toàn bộ clip "bóc phốt", chủ kênh này đưa các hình ảnh và gọi đích danh tên của nghệ sĩ, không còn viết tắt tên nhân vật như những fanpage, group anti trước đây. Các clip với những tiêu đề khá giật gân như "Góc khuất của…"; "Sự thật về.." một ai đó… Vậy làm thế nào để xử lý những tài khoản nặc danh này? Có thể tố cáo khi không biết người đứng sau hay không?
Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, các nạn nhân vẫn có thể tiếp tục bị công kích, tấn công trên mạng xã hội. Xử trí ra sao khi bỗng trở thành nạn nhân của bạo lực mạng hay trước đó làm cách nào để mỗi người có thể bảo vệ mình khi có nguy cơ bị lộ lọt thông tin trên không gian mạng. Phóng viên Chuyển động 24h đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ, Hiệp hội An ninh Mạng Quốc Gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!