Nguy hiểm nhất là các xe tải trọng lớn, xe đầu kéo rơ-moóc chở các loại sắt thép cuộn, ống cống và cọc bê tông chằng buộc không đảm bảo an toàn. Thế nhưng rất đáng lo ngại là hiện nay, hành vi này vẫn diễn ra rất phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ghi nhận tại nút giao Quốc lộ 10 - Nguyễn Trường Tộ, huyện An Dương, TP Hải Phòng, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe vận chuyển sắt thép, vật liệu xây dựng.
''Tôi thấy nhiều trường hợp chằng buộc rồi nhưng hàng vẫn cứ rơi xuống, rất nguy hiểm'', ông Mai Anh Tuấn, người dân quận Hồng Bàng cho hay.
Chị Nông Thị Kim, người dân huyện AN Dương cũng cho biết: ''Đi cạnh những xe đó rất sợ, tốt nhất là nên tránh xa để đảm bảo an toàn''.
Nỗi lo lắng đó là hoàn toàn có cơ sở khi mới đây tại đường vành đai 3 trên cao Hà Nội, một cuộn thép nặng hàng chục tấn đã bị rơi trong khi vận chuyển. Không thể lường trước hậu quả sẽ ra sao nếu cuộn thép rơi xuống làn đường bên dưới.
Ông Phạm Minh Châu, Đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 1, Sở GTVT Hải Phòng cho biết: ''Phần lớn các tuyến đường giao thông ở Việt Nam là giao thông hỗn hợp, có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông nên rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Rất nguy hiểm khi và chạm xảy ra giữa các phương tiện khác với các xe chở hàng nặng cồng kềnh mà không được chằng buộc cẩn thận. Thế nhưng rất đáng lo ngại là vẫn có trường hợp xe tải cỡ lớn vận chuyển sắt thép mà không hề chằng buộc''.
Mức phạt đối với hành vi không chằng buộc hàng hóa an toàn là từ 600.000 - 800.000 đồng. Trường hợp để xảy ra tai nạn, mức phạt sẽ là từ 8 - 12 triệu đồng và tước GPLX từ 2-4 tháng. Vậy bốc xếp, vận chuyển hàng hóa như thế nào mới là đảm bảo an toàn? Bộ Giao thông vận tải đã có quy định cụ thể về vấn đề này.
Thông tư 35/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xếp dỡ hàng hóa có nêu: Hàng hóa xếp trên xe ô tô khi tham gia giao thông phải dàn đều không xếp lệch về một phía và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển. Song, theo Thanh tra giao thông Hải Phòng, thế nào là chằng buộc an toàn thì lại chưa được nêu rõ trong thông tư này.
Ông Nguyễn Đức Chi, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cho rằng: ''Trên thực tế có nhiều loại hàng hóa và mỗi loại hàng hóa lại đòi hỏi tiêu chí khác nhau để đảm bảo an toàn trong quá trình chằng buộc và vận chuyển. Ví dụ: chở sắt cuộn, cột điện tải trọng lớn đòi hỏi cách chằng buộc, vận chuyển khác với các loại hàng hóa khác. Vấn đề này lại chưa được nêu rõ trong Thông tư 35 dẫn tới việc mỗi tài xế có cách hiểu khác nhau về tiêu chí chằng buộc vận chuyển hàng hóa an toàn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thời gian qua xảy ra các sự cố gây mất ATGT như cuộn thép khi vận chuyển bị đứt dây chằng khiến cuộn thép rơi xuống đường rất nguy hiểm''.
Thông tư 35 chưa quy định rõ phương tiện phải chằng buộc hàng hóa cụ thể như thế nào và yêu cầu như thế nào về cân nặng, chiều cao hoặc cách thức chèn hoặc yêu cầu xe chuyên dụng. Tôi nghĩ đã đến lúc cần cập nhật những quy định này, có thể theo kinh nghiêm quốc tế hoặc theo kinh nghiêm các nước trong khu vực'', TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho biết.
Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng để phòng ngừa hiệu quả các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ những chiếc xe ô tô chở hàng hóa nặng, cồng kềnh, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần phải nắm vững các kỹ năng lái xe an toàn. Bên cạnh đó, mỗi tài xế cũng cần nêu cao ý thức trong việc chằng buộc, vận chuyển hàng hoá.
Với người dân, khi tham gia giao thông trên cùng một tuyến đường có xe tải cỡ lớn chở hàng nặng, cồng kềnh, không chạy gần các điểm mù bao gồm phía trước, phía sau hoặc bên hông các loại xe chở hàng cồng kềnh; xe đầu kéo, xe container... chở hàng hóa nặng dễ gây mất an toàn như sắt thép, vật liệu xây dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!