An toàn phòng dịch COVID-19: Yếu tố cốt lõi đảm bảo sản xuất tại các khu công nghiệp

Quang Phồn, Diệu Quỳnh-Thứ ba, ngày 25/05/2021 18:57 GMT+7

VTV.vn - Bảo vệ khu công nghiệp trước dịch bệnh chính là duy trì mục tiêu kép của chính phủ, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đợt dịch lần thứ 4 đã đánh vào một khu vực được coi là cực kỳ nguy hiểm chính là các khu công nghiệp với hàng loạt các nhà máy có công nhân bị nhiễm bệnh.

Thông tin từ bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế đầu giờ chiều 25/5, Bắc Giang ghi nhận hơn 300 ca lây nhiễm trong các khu công nghiệp, cho thấy mức độ lây lan chóng mặt. Hậu quả là rất lớn, khi chỉ cần một nhà máy bị đóng cửa cũng ảnh hưởng rất lớn đến công ăn việc làm của hàng vạn lao động, sản xuất bị đình trệ gây tổn thất cho nền kinh tế.

Thực tế từ các khu công nghiệp Bắc Giang đã buộc các nhà máy, doanh nghiệp phải siết chặt các quy đinh, thiết lập phòng tuyến chống dịch để bảo vệ hoạt động sản xuất của chính họ.

An toàn phòng dịch COVID-19: Yếu tố cốt lõi đảm bảo sản xuất tại các khu công nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phòng tuyến chống dịch tại mỗi nhà máy

Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và khai báo lịch trình di chuyển hàng ngày đã trở thành thói quen của người lao động từ cả năm nay. Giờ đây, các biện pháp phòng dịch còn được nâng thêm một cấp độ đó là quy định công nhân không di chuyển bằng phương tiện công cộng và không đi đâu sau giờ làm việc.

Dù chỉ có 650 công nhân, nhưng nhà máy của Công ty cơ khí Đông Anh có 12 Tổ an toàn COVID-19. Hàng ngày, các tổ có trách nhiệm cập nhật tình hình sức khỏe, lịch trình đi lại của các thành viên để báo cáo công ty, đồng thời giải đáp các thắc mắc liên quan về dịch bệnh cho người lao động.

Ở nhà máy này, phòng dịch trở thành ý thức của mỗi người, tự giác báo cáo về lịch trình di chuyển và tiếp xúc của bản thân cũng như cả gia đình, kể cả trong ngày nghỉ cuối tuần.

Mạng nội bộ công ty những ngày này ưu tiên đưa thông tin về diễn biến dịch bệnh ở các địa phương để người lao động nắm bắt và chủ động phòng tránh. Hàng ngày, bộ phận phụ trách công tác phòng chống dịch của nhà máy sẽ đi kiểm tra từng phân xưởng, nếu phân xưởng nào có người không tuân thủ các quy định phòng chống dịch sẽ bị trừ thi đua.

Tại Hà Nội đã thành lập hơn 7.600 tổ với gần 37.000 người tham gia. Bằng cách tạo ra nhiều lớp để phòng chống dịch xâm nhập, các doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức bảo vệ người

Chủ động kể cả khi bị phong tỏa

Cân bằng giữa yêu cầu phòng dịch và ổn định sản xuất đã buộc các doanh nghiệp phải đưa ra các biện pháp cứng nhắc, thậm chí có phần hà khắc để đảm bảo ngăn chặn COVID-19 từ ngoài nhà máy. Nhiều quy định khắt khe không chỉ trong giờ làm việc mà cả khi rời nhà máy như hết ca, công nhân được yêu cầu trở về sinh hoạt tại nơi ở, hạn chế đi lại, hạn chế tập trung quá 5 người; không tiếp xúc, nói chuyện với người lạ, không đi thăm hỏi người nhà, người quen đau ốm tại các bệnh viện; nghỉ phép tại nơi ở, không về quê trừ trường hợp rất đặc biệt...

Nghe qua thì rất khắt khe và khó chịu với mỗi công nhân, nhưng kỷ luật thép như trong quân đội chính là cách thức giúp những nơi này lại chưa xuất hiện ca lây nhiễm nào và sản xuất, thu nhập của người lao động vẫn duy trì và nhiều nhà máy còn tính đến tình huống xấu nhất là vẫn sản xuất kể cả khi bị phong tỏa vì có ca nhiễm.

Dù áp dụng rất nhiều biện pháp tích cực nhưng không thể biết trước ca lây nhiễm sẽ xuất hiện từ đâu. Do đó, chủ động trong mọi tình huống là điều mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng.

Tại Công ty Cơ khí Đông Anh, quy định chỉ yêu cầu cách ly đối với các trường hợp F2 nhưng cả F3 được yêu cầu nghỉ ở nhà và được trả lương để người lao động yên tâm cách ly.

Toàn nhà máy đã được tập huấn tình huống công ty bị phong tỏa. Chỗ ăn, nghỉ của người lao động đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nguồn cung ứng các nhu yếu phẩm cần thiết, cung ứng hàng hoá để không làm gián đoạn sản xuất đều có trong kế hoạch dự phòng.

Cả nước hiện có hơn 300 khu chế xuất và khu công nghiệp nhưng Bộ Công Thương cho biết chỉ vài chục phần trăm công nhân khai báo y tế đầy đủ. Và quy định khai báo y tế sẽ trở thành bắt buộc với từng công nhân để đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Đà Nẵng xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân khu công nghiệp

Chủ động tấn công dập dịch là phương châm của Chính phủ. Một trong những biện pháp quan trọng là chủ động xét nghiệm. Trong 3 ngày 24/5 đến 26/5, Đà Nẵng tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động đang làm việc tại Khu công nghệ cao và 4 Khu công nghiệp trên địa bàn, gồm Hòa Cầm, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng và Liên Chiểu. Việc xét nghiệm tiến hành từ sáng sớm đến đêm.

An toàn phòng dịch COVID-19: Yếu tố cốt lõi đảm bảo sản xuất tại các khu công nghiệp - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động tại các Khu công nghiệp ở Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Ngay từ sáng sớm, tại khu công nghiệp Hòa Khánh, gần 3.000 người gồm ban lãnh đạo và công nhân của công ty Keyhinge/Matrix đã xếp hàng luân phiên để thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đây là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên của KCN này tổ chức lấy mẫu cho công nhân nhằm thực hiện chiến dịch khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng để tầm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của TP Đà Nẵng.

Việc xét nghiệm diện rộng lên đến trên 52.000 người, với với loại mẫu gộp 10 và được lấy trong thời gian ngắn, sẽ giúp ngành chức năng đánh giá tổng quan tình hình dịch bệnh để có biện pháp chủ động phòng chống dịch; phát hiện kịp thời những trường hợp dương tính nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Ngoài xét nghiệm diện rộng cho công nhân và người lao động, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng cũng lập tổ an toàn COVID-19 tại đơn vị mình. Riêng tại Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đến nay đã có 100% doanh nghiệp đã thành lập Tổ an toàn COVID-19 để vừa chủ động hơn trong phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì liên tục, hiệu quả.

Sẽ diễn tập các phương án ứng phó

Một trong những địa bàn trọng điểm trên cả nước cần bảo vệ trong thời điểm hiện tại đó là TP Hồ Chí Minh bởi tại đây có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, với tổng số gần 280.000 người lao động. thành phố lên kế hoạch diễn tập các phương án ứng phó nếu xảy ra dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trước mắt, các khu công nghiệp nghiên cứu điều chỉnh giờ làm việc các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ làm việc vào buổi sáng và giờ tan ca cuối chiều để nhằm giảm người tụ tập quá đông vào một thời điểm.

Với đặc thù tập trung đông người, lại trong không gian kín nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập luôn thường trực tại các khu công nghiệp. Nhưng đây lại là nơi đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, quyết định đến tăng trưởng phát triển kinh tế vì vậy cần quyết liệt trong công tác phòng chống dịch.

Để không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động tại các khu công nghiệp cần được ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước