Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
Vùng áp thấp tiếp tục suy yếu thêm và đi vào đất liền khu vực Thanh Hóa.
Hồi 7h, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ). Dự báo đến 19h ngày 8/7, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, suy yếu và tan dần. Đây là tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp và gió Đông Nam, từ 2-4 giờ ngày 8/7, khu vực các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Gia Phù (Sơn La) 61 mm, Ngọc Đồng (Phú Thọ) và Tân Pheo (Hòa Bình) 56 mm.
Trong sáng 8/7, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 120 mm. Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại khu vực các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ đặc biệt tại các huyện Phù Yên, Vân Hồ, Mộc Châu, Bắc Yên, Mai Sơn (tỉnh Sơn La); Đà Bắc, Lương Sơn, Mai Châu, Kim Bôi, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình); Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái); Yên Lập, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, Tam Nông (tỉnh Phú Thọ). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Để ứng phó với mưa lớn gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, người dân nên cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, nhất là khi có mưa lớn kéo dài; không được lội qua suối, sông, ngầm tràn, đường bị ngập; gia cố nhà cửa, đập tạm, khơi thông dòng chảy; chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống và đồ sơ cứu y tế, đèn pin…; khẩn trương ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương…/.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!