Bắc Ninh - 60 ngày chống dịch
Cách đây 2 tháng, tỉnh Bắc Ninh phát hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên của đợt dịch thứ 4 và nhanh chóng trở thành một trong những điểm nóng về dịch.
Ngày 6/5, xã Mão Điền xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Thuận Thành nhanh chóng trở thành tâm dịch của Bắc Ninh. Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, bố trí công nhân làm việc giãn cách tại nhà máy, lưu trú tập trung.
Trong 60 ngày qua, Bắc Ninh đã lập hơn 1.000 chốt kiểm soát, gần 14.000 Tổ COVID-19 trong doanh nghiệp và cộng đồng; thực hiện cách ly, quản lý trên 54.000 F1, F2; xét nghiệm hơn 2 triệu mẫu; xử lý 157 ổ dịch. Hiện, các hoạt động trong đời sống xã hội đang trở lại trạng thái bình thường mới.
Chống dịch táo bạo, duy trì sản xuất
Đến thời điểm này, nhìn chung tình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được kiểm soát. Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, toàn tỉnh ghi nhận 1.600 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 số ca dương tính mới đều trong khu cách ly tập trung và khu vực phong tỏa liên quan.
Với đặc thù có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân số tập trung đông, Bắc Ninh đã có một quyết định táo bạo là đưa người lao động vào nhà máy làm việc ngay trong trong thời điểm dịch căng thẳng nhất. Đây là việc làm chưa có tiền lệ trong phòng chống dịch để sản xuất được duy trì.
Khu nhà, nơi gần 500 người, chiếm một nửa số lao động của công ty đã từng sinh hoạt trong suốt 21 ngày, vốn là nhà ăn nhưng vì có điều hoà và hệ thống quạt mát nên được công ty biến thành chỗ ngủ, nghỉ cho người lao động. Bếp ăn được di chuyển xuống nhà xe.
Thay vì để người lao động đi về giữa nhà máy và nhà trọ, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, tỉnh đã chỉ đạo các nhà máy bố trí người lao động sau khi xét nghiệm âm tính thì làm việc và ăn nghỉ luôn tại chỗ. Chủ trương này được cả công nhân lẫn doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.
Đưa người lao động vào ở trong nhà máy, bên cạnh chi phí phát sinh, các công ty cũng phải khắc phục nhiều khó khăn như nhà máy không được thiết kế công năng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt ăn ngủ, vệ sinh hàng ngày của số lượng lớn công nhân, chưa kể việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ…
Vượt lên những khó khăn, trong suốt đợt dịch vừa qua, nhiều nhà máy vẫn đáp ứng được các đơn hàng ở mức tối thiểu
Phục hồi sản xuất nhanh, đón chờ đơn hàng mới
Bắc Ninh có tất cả 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp lớn của miền Bắc với tổng số 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành trong cả nước. Nếu đóng cửa tất cả, công nhân phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông đúc hoặc quay về quê thì khả năng rủi ro về phòng chống dịch còn cao hơn rất nhiều.
Do vậy, những sáng kiến áp dụng phòng dịch trong các nhà máy vừa giúp đảm bảo sản xuất, vừa chống dịch lây lan.
Sở dĩ Bắc Ninh quyết liệt và táo bạo trong các phương án phòng chống dịch tại các khu công nghiệp bởi đây là nguồn thu và thu nhập sống còn của địa phương và người dân. Nếu dừng sản xuất chỉ một ngày, giá trị sản xuất công nghiệp ở Bắc Ninh sẽ giảm 3.600 tỷ đồng. Chính vì thế, trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua, không có nhà máy nào ở Bắc Ninh phải ngừng sản xuất hoàn toàn.
Chỉ 1 tuần sau khi nhận được thông báo cho các nhà máy hoạt động trở lại bình thường, Công ty TNHH ITM Semi Conductor Việt Nam sản xuất linh kiện điện thoại đã đạt được 80% công suất so với trước khi dịch bùng phát.
Nhiều công ty đã tính đến việc sản xuất 3 ca ngay từ cuối tuần này. Công ty sản xuất bộ thu phát wifi dành cho xe tự lái, các thiết bị viễn thông... đang có ý định tuyển thêm 4.000 công nhân và mở nhà xưởng mới.
Những giải pháp quyết liệt, táo bạo của Bắc Ninh đã giúp duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng mới.
Bắc Ninh đã xây dựng kịch bản để khôi phục kinh tế sau đại dịch, tập trung vào các giải pháp cụ thể như duy trì, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, triển khai tiêm vaccine cộng đồng, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng công nhân tại khu công nghiệp để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!