Không còn giãn cách xã hội, không còn kiểm tra giấy đi đường nhưng Hà Nội những ngày này đường phố vắng vẻ, các cơ quan đìu hiu khi ghi nhận số ca F0 tăng nhanh. Trong số đó, có cả các nhân viên y tế, các bác sĩ, điều dưỡng. Thế nhưng, dù đang là F0, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vẫn tình nguyện tiếp tục làm việc, điều trị cho các bệnh nhân F0 khác. Câu chuyện từ những bác sĩ F0 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương sẽ thêm 1 lần nữa cho chúng ta thấy, sự tận hiến trong nghề nghiệp đặc biệt này.
Tại khu vực điều trị bệnh nhân F0 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cùng đi thăm buồng bệnh nhưng 2 điều dưỡng không mặc bảo hộ bởi các anh đều đã mắc COVID-19.
Bệnh nhân ở đây không chỉ nhiễm SARS-CoV-2. Họ còn có bệnh lý nền nặng. Có người bị tiểu đường, phải cưa chân. Áp lực về bệnh tật, tâm lý các bệnh nhân dồn lên nhân viên y tế là rất lớn. 10 bác sĩ, nhân viên y tế ở đây là F0 nhưng thể nhẹ đã tình nguyện ở lại. Không chỉ để chia lửa với đồng nghiệp, mà còn vì bệnh nhân.
Các bác sĩ điều dưỡng, kỹ thuật viên dù mắc F0 vẫn tình nguyện tiếp tục làm việc, điều trị cho các bệnh nhân F0 khác.
Số lượng bệnh nhân tăng khiến cho một ca làm việc bình thường là 8 tiếng, giờ lên 12 tiếng. Các bác sĩ và nhân viên y tế là F0 làm việc, ăn nghỉ luôn ở trong đơn vị điều trị.
Khu điều trị không được để hoa tươi. Mọi người tặng nhau bình hoa vải để thay đổi không khí. Những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, họ đã từng cùng nhau vào Nam chống dịch, giờ là F0 nhẹ, họ vẫn đóng góp cho việc cứu chữa bệnh nhân. Đó là sự lựa chọn khi họ đến với nghề y.
Trọn vẹn với nghề. Đó có lẽ là điều chúng ta cảm nhận được về những thầy thuốc, nhất là chứng kiến nỗ lực của đội ngũ chiến sỹ áo trắng trong cuộc chiến cam go với dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua. Họ không muốn được coi là người phi thường, bởi cũng trải qua mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, thậm chí có người đã bỏ cuộc nhưng nỗ lực của đội ngũ tuyến đầu khiến tất cả chúng ta đều khâm phục. Phóng viên VTV may mắn đã ghi lại được tâm sự của 1 điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai. Chị là nhân viên y tế đầu tiên mắc COVID-19 tại Việt Nam vào tháng 3/2020. Và hơn 1 tuần trước, chị lại nhiễm biến chủng Omicron. Nhưng chỉ sau 1 tuần nghỉ, dù vẫn dương tính nhưng chỉ số CT lớn hơn 30, không còn khả năng lây nhiễm, chị đã quay trở lại ngay với công việc chăm sóc bệnh nhân COVID nặng.
Và không chỉ đội ngũ nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nặng mà lúc này các nhân viên y tế cấp cơ sở xã phường cũng vô cùng vất vả trong khâu trả quyết định cách ly, giấy công nhận khỏi bệnh, nhập giữ liệu của các F0 điều trị tại nhà. Sự thông cảm và lòng biết ơn của người dân chắc chắn sẽ là những liều thuốc vô hình giúp cho đội ngũ nhân viên y tế vượt qua được biết bao hy sinh, biết bao vất vả lo toan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!