Chiều 8/6, tại cuộc tọa đàm về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, dự thảo luật có bổ sung quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trong địa bàn, vùng lãnh thổ. Trong đó quy định khi chất lượng không khí ở mức rất xấu hoặc nguy hại, Chủ tịch tỉnh, thành có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường không khí, sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp để khắc phục ô nhiễm.
Dự thảo nêu rõ, nếu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp. Còn nếu phạm vi trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên để ban bố tình trạng khẩn cấp, cần xem mức độ ô nhiễm kéo dài bao lâu và phân tích cụ thể các chỉ số quan trắc.
Những ngày qua, chất lượng không khi ở Hà Nội liên tục ở ngưỡng nguy hiểm. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều ngày qua tại Thủ đô Hà Nội, chất lượng không khi liên tục ở ngưỡng nguy hiểm tới sức khỏe vào sau 18h, chỉ số AQI nằm ở ngưỡng trên 150, thậm chí có thời điểm lên tới 200. Hay nhìn từ vụ việc nhà máy Rạng Đông, khi cơ quan quản lý lúng túng việc đưa ra khuyến cáo đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Nhóm chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đề xuất chia ô nhiễm không khí làm hai nhóm trường hợp: Thứ nhất là sự cố do thiên tai. Thứ hai, là do có tác động của tổ chức, cá nhân.
Khi ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí, nhóm biện pháp đầu tiên cần tính đến là bảo vệ người dân như: đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên ra đường, học sinh nghỉ học, cần thiết sẽ tổ chức di dời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!