“Bảo kê” dịch vụ gặt lúa, ép giá nông dân

VTV Digital-Thứ hai, ngày 29/05/2023 20:32 GMT+7

VTV.vn - Tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội, nếu muốn gặt lúa, người nông dân phải thuê máy do nhóm bảo kê sắp xếp và mức giá mà họ đưa ra.

Thời điểm này, nhiều cánh đồng ở miền Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa. Với người nông dân, đây là thời điểm gặt hái được thành quả sau một vụ mùa "đổ mồ hôi sôi nước mắt" trên những cánh đồng. Còn với những chủ máy gặt, đây cũng là thời điểm quý giá trong năm, để tranh thủ làm ăn và giúp đỡ bà con thu hoạch bớt vất vả hơn.

Tuy nhiên, những ngày vừa qua, đường dây nóng của Chương trình Chuyển động 24h liên tục nhận được phản ánh của nhiều người nông dân trên địa bàn xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội tố cáo về dấu hiệu hoạt động bảo kê, dẫn đến tình trạng ép giá đối với bà con khi thuê máy gặt lúa trên địa bàn.

Cánh đồng xã Thạch Đà, huyện Mê Linh đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng theo phản ánh của người dân, không phải máy gặt nào cũng được xuống ruộng vì nếu tự ý gặt lúa sẽ bị cản trở.

Thực tế, từ vụ lúa trước, cũng tại cánh đồng trên, một chủ máy gặt được người dân thuê đến cắt lúa đã bất ngờ bị một nhóm côn đồ hành hung ngay ở ruộng. Vì sợ hãi nên nạn nhân cũng từ chối trả lời và không muốn nhắc lại chuyện cũ nữa.

“Bảo kê” dịch vụ gặt lúa, ép giá nông dân - Ảnh 1.

Cũng vì những chuyện đã xảy ra nên vụ lúa năm nay, người dân "gặp khó" khi thuê máy gặt về. Trong khi, theo phản ánh của người dân, nếu muốn gặt phải thuê những máy do nhóm bảo kê sắp xếp, với mức giá mà họ đưa ra.

Đúng như phản ánh của người dân, ở một cánh đồng, trong khi dưới ruộng máy gặt đang hoạt động thì ở trên bờ luôn có 1 - 2 thanh niên lạ mặt cầm sổ ghi chép, theo dõi việc gặt lúa của các máy này.

Dù không đồng ý với mức giá máy gặt hiện nay, nhưng nếu không thuê máy, những người nông dân cũng chỉ còn duy nhất một sự lựa chọn là gặt lúa bằng tay. Dù uất ức nhưng cũng đành phải chấp nhận vì nếu có xin giảm giá cũng không được đồng ý.

“Bảo kê” dịch vụ gặt lúa, ép giá nông dân - Ảnh 2.

Theo tiết lộ của một chủ máy đã gặt lúa, số tiền công được trả là 140.000 đồng/một sào. Số tiền chênh lệnh trên mỗi một sào lúa mà người dân đã bỏ ra thuê máy gặt với giá cao đã đi đâu thì chỉ có người được hưởng mới biết. Trong khi hiện cả xã Thạch Đà có khoảng 60 ha lúa đang bước vào vụ thu hoạch.

Trước phản ánh của người dân, trao đổi qua điện thoại với phóng viên VTV, lãnh đạo UBND xã Thạch Đà, huyện Mê Linh khẳng định, không có hiện tượng bảo kê, ép giá máy gặt lúa trên địa bàn.

Cũng theo lãnh đạo xã, mức giá thuê máy gặt 220.000 đồng/sào là mức giá phù hợp, không quá cao. Mức giá này đã có sự thống nhất giữa UBND xã và hợp tác xã của địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước