Bão số 5 di chuyển chậm, đổ bộ vào đất liền từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi

PV (t/h)-Thứ bảy, ngày 11/09/2021 23:07 GMT+7

Tàu thuyền ở Thừa Thiên-Huế về nơi tránh trú bão. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế.

VTV.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bão số 5 di chuyển chậm, sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta, từ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến tỉnh Quảng Ngãi.

Hồi 19h ngày 11/9, tâm bão số 5 ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo, đến 1h ngày 12/9, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 5km/h, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.

Từ 1h đến 7h ngày 12/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền của khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi. Đến 7h ngày 12/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất giảm xuống cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo, từ 7h đến 19h ngày 12/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Vùng nguy hiểm trên biển từ 19h ngày 11/9 đến 7h ngày 12/9 (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Do ảnh hưởng của bão số 5, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh.

Đêm 11 và sáng 12/9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực sâu trong đất liền của các tỉnh trên có gió giật cấp 7. Các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, từ ngày 12 - 14/9, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Từ ngày 11 - 12/9, các tỉnh Bình Định và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm. Mức độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động.

Ứng phó với bão số 5, các địa phương trong vùng ảnh hưởng đã triển khai các biện pháp hạn chế thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân.

Theo ghi nhận của các phóng viên TTXVN tại địa phương, tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân hạn chế ra đường, đặc biệt chú trọng công tác sơ tán dân tại các vùng xung yếu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở phương châm "4 tại chỗ" gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm cách ly, sơ tán. Các địa phương rà soát đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra các vật tư, thiết bị vận hành cửa van, hệ thống điện dự phòng, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, y tế các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an toàn cán bộ tại các nhà máy; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ. Các địa phương kiểm tra các công trình thủy điện đang thi công thực hiện các nội dung phương án đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định.

Tại Đà Nẵng, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã di dời người dân sống ở những khu vực không an toàn đến những địa điểm trú bão kiên cố. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương phải xét nghiệm nhanh COVID-19 cho những người trong diện di dời. Những người ở khu vực "vùng đỏ" khi di dời phải mang đồ bảo hộ phòng, chống COVID-19. Người dân "vùng xanh", "vùng vàng" có thể không mang đồ bảo hộ, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch.

Để hạn chế các tình huống xấu có thể xảy ra, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, người dân ven biển thành phố Hội An đang căng mình gia cố bờ biển Cửa Đại trước sự công phá của sóng to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 5.

Các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi, nhất là các huyện miền núi, đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét để có biện pháp di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn theo các phương án đã được duyệt; đồng thời, duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Khẩn trương ứng phó bão số 5 và mưa lũ sau bão

Chiều 11/9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn với 5 tỉnh ở miền Trung để triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 5.

Thông tin tại cuộc họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu chuẩn bị ứng phó với cơn bão này.

Bão số 5 di chuyển chậm, đổ bộ vào đất liền từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Bão số 5 có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung là khu vực đang có hàng ngàn ca F0, đây là thách thức lớn. Ảnh: VGP.

Trong đó, Quân khu 4 và 5 là hai đơn vị trọng điểm ở nơi bão vào đang triển khai nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, ứng phó bão. Bộ Quốc phòng vẫn đảm bảo kế hoạch sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ, hơn 3.000 phương tiện, đặc biệt đã sẵn sàng máy bay, tàu, xuồng các loại… để ứng phó khi cần.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị các lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", nhất là dân quân tự vệ làm nòng cốt ở địa phương để tham gia hỗ trợ, sơ tán nhân dân tại nơi chia cắt, ngập lụt do hoàn lưu sau bão, thực hiện nghiêm quy định về dịch COVID-19.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại, cơn bão này có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung là khu vực đang có hàng nghìn ca F0, đây là thách thức lớn.

Do vậy các tỉnh phải theo dõi sát dự báo, hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc phải di dân thì di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó. Thông suốt chỉ đạo điều hành, đảm bảo luồng xanh ưu tiên xe phòng chống thiên tai.

Yêu cầu đưa hết các thuyền viên phải lên bờ, đảm bảo an toàn chỗ ăn ở và test nhanh COVID-19 theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra cũng cần tổ chức test nhanh cho người dân trước khi sơ tán tránh bão. Không để người dân ở lại lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Sơ tán người dân tại vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước