Sóng lớn, nước biển tràn vào bờ. (Ảnh: VOV)
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của bão số 6, khu vực đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ sáng 27 đến ngày 29/10 có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay tổng lượng mưa cả đợt tại huyện miền núi A Lưới phổ biến từ 200 - 300 mm, có nơi trên 400 mm; huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông từ 250 - 400 mm, có nơi trên 500mm; các huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế từ 200 - 350 mm, có nơi trên 450 mm.
Nước biển dâng cao phá hủy bờ kè và nhiều công trình ở bờ biển Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: VOV)
Chiều nay (27/10), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa to, gió lớn, vùng ven biển sóng to, gió mạnh, nước biển dâng cao. Nhiều tuyến đường bị ách tắc do ngập nước khiến phương tiện qua lại khó khăn; cây xanh ngã đổ chắn ngang nhiều tuyến đường; một số nhà dân bị tốc mái; công trình bị hư hỏng. Thông tin sơ bộ, một số tàu thuyền của ngư dân bị sóng biển đánh chìm, trôi dạt…
Khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện triều cường gây ngập lụt một số khu dân cư và nhiều hàng quán phục vụ khách du lịch. Một số khu vực thuộc nội thành ở TP Huế cũng bị ngập lụt cục bộ gây ách tắc giao thông đi lại.
Tại khu vực vùng biển thuộc các xã, phường: Thuận An (TP Huế), Phú Thuận (huyện Phú Vang) sóng biển đã tràn qua các bãi biển, sóng lớn đánh vào bờ gây ngập nhiều tuyến đường và khu dân cư. Nơi đây đang bị sạt lở nặng với chiều dài gần 1 km. Những ngày qua, lực lượng chức năng cố gắng đắp vá để hạn chế sạt lở.
Nhiều nhà dân dọc bờ biển phường Thuận An (TP Huế) đã bị ngập nước. (Ảnh: Nhân dân)
Hiện sóng to và nước biển tràn qua, nguy cơ trôi, sạt lở đất và hư hỏng tuyến đường dọc biển, nhất là đoạn xã Phú Thuận là rất lớn. Nước biển cũng đã bắt đầu tràn qua đập Hòa Duân (phường Thuận An).
Một số nơi bị ngập sâu từ nửa mét đến hơn 1 m. Hiện Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cảng Thuận An bố trí lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo người dân không qua lại các khu vực nguy hiểm.
Do triều cường dâng cao, nhiều khu vực dân cư ở sát phá Tam Giang, đoạn gần cửa biển Thuận An tại tổ dân phố Hải Tiến (phường Thuận An) nước ngập vào tới hiên nhà. Vùng thấp trũng và đường Kinh Dương Vương (Quốc lộ 49) nước đã dâng cao khoảng 0,2 - 0,3 m, giao thông đi lại khó khăn. Một số phương tiện chết máy khi qua đoạn đường này.
Ảnh hưởng của cơn bão số 6 gây gió giật mạnh, mưa lớn và mất điện ở nhiều địa phương, nhất là các xã ven biển, đầm phá và thấp trũng trên địa bàn. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) Nguyễn Quang Dân, điện đã mất, gió giật mạnh kèm mưa lớn. Trước mắt, chính quyền địa phương di dời hơn 10 hộ dân đến nơi an toàn.
Bão số 6 (Trami) đã gây mưa lớn, nước biển dâng cao, gió giật mạnh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Nhân dân)
Tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền), Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trần Văn Huy thông tin đến 8h10' sáng 27/10, trên địa bàn mất điện. Gió mạnh và mưa, nhưng chưa đến mức phải triển khai phương án di dời dân. Vùng thấp trũng nhất của xã và đáng lo ngại nhất là thôn tái định cư Tân Bình. Nếu mưa bão lớn, gây lụt, 50 hộ dân, với 157 khẩu buộc phải di dời đến nơi cao hơn để tránh, trú bão lụt.
Ông Ngô Văn Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền, cho biết đến 9h sáng 27/10, tại vùng "rốn lũ" huyện Quảng Điền mưa vừa, gió mạnh. Thời điểm này, mưa bão chưa gây ảnh hưởng lớn đến địa bàn của huyện. Tuy nhiên, những vùng xung yếu, thấp trũng đều chủ động các phương án để ứng phó với bão số 6 một cách hiệu quả nhất.
Được biết, các lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, dân quân địa phương tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục thiệt hại ban đầu do bão số 6 gây ra, phát quang cây cối gãy đổ, giảm ùn tắc giao thông; đồng thời tiếp tục theo dõi những khu vực ngập sâu đồng bằng, ven biển, những vùng nguy cơ sạt lở miền núi sớm có phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Văn Hòa cho hay mưa với cường độ mạnh nhất tại Thừa Thiên Huế tập trung trong 2 ngày từ 27 đến 28/10. Sâu trong đất liền các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế từ sáng 27/10 đã có gió cấp 6, giật cấp 7 - 8; vùng ven biển cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11; huyện A Lưới, Nam Đông có gió cấp 5, giật cấp 6 - 7. Từ ngày mai (28/10), gió trên đất liền giảm nhanh.
Trên biển, từ sáng 27 đến 29/10 có mưa bão, gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão cấp 9, giật cấp 10 - 11; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 2 - 4 m, vùng gần tâm bão từ 3 - 5 m, từ đêm 27/10 giảm dần xuống ở mức từ 2 - 3 m.
Trong 3 giờ tới, bão được dự báo di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10 - 15 km/giờ. Trước diễn biến xấu của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu người dân cần chủ động các phương án ứng phó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!