Làng gốm cổ ở khu vực Tây Nguyên của đồng bào dân tộc M'Nông ở xã Yang Tao, tỉnh Đắk Lắk. Từng đứng trước nguy cơ lụi tàn vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, đến nay, làng gốm cổ tại Yang Tao đang từng bước phát triển theo hướng kết hợp du lịch và bảo tồn làng nghề truyền thống.
Về với xã Yang Tao, huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk, du khách được tận mắt thấy các bà, các mẹ người M'Nông thực hiện các công đoạn để làm ra các sản phẩm gốm cổ. Nét độc đáo của gốm nơi đây là được chế tác thủ công, hoàn toàn phụ thuộc vào đôi tay tài hoa của nghệ nhân, với nguồn nguyên liệu đất sét tại địa phương. Mỗi tác phẩm là duy nhất, với màu sắc khác biệt với nhiều làng gốm khác..
Chị H Huyền Bhốk, xã Yang Tao cho biết: "Được chính quyền địa phương và nhiều du khách quan tâm, làng gốm chúng tôi duy trì được nghề truyền thống, có thêm thu nhập. Tôi mong sản phẩm sẽ tiếp cận, mở rộng thị trường để nâng cao kinh tế, tạo động lực cho bà con lưu giữ văn hóa truyền thống".
Để bảo tồn, duy trì làng nghề gốm trước nguy cơ mai một, năm 2024, chính quyền địa phương đã phối hợp với các chủ thể kinh doanh để hoàn thiện quy trình sản xuất, đánh giá sản phẩm gốm Ché mẹ bồng con (Dăng Bă Kuôn) đạt OCOP 3 sao cấp huyện.
Ông Y wu Sruk, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết: ''Xã cố gắng hỗ trợ, định hướng hộ gia đình làm gốm thụ hưởng một số chính sách về làng nghề truyền thống, tiếp cận nguồn vốn để phát triển nghề gốm của địa phương".
Hiện nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch khu đất để phục vụ xây dựng làng nghề làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm. Qua đó, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao thu nhập cho bà con và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!