Bắt cóc, giả "anh hùng" khiến bé 5 tuổi tử vong: Lại thêm nỗi đau vì nghiện game!

H.T-Thứ năm, ngày 11/06/2020 10:01 GMT+7

VTV.vn - Cái chết của bé trai 5 tuổi tại Nghệ An đã gióng thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và xã hội về hậu quả nghiêm trọng của nghiện game.

Nhói lòng kết cục vở bi kịch bắt cóc để làm "người hùng" như trong game

Vụ án mạng khiến bé trai 5 tuổi, trú xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tử vong sau 2 ngày mất tích bí ẩn đã thực sự gây đau lòng với dư luận những ngày qua.

Nam sinh liên quan đến sự việc là Đ.N.H (17 tuổi, trú tại xã Quỳnh Tam, học sinh lớp 11, trường THPT Quỳnh Lưu 4, huyện Quỳnh Lưu) bước đầu cũng thừa nhận liên quan đến vụ việc. Thông tin ban đầu, nam sinh này là con nghiện game, có nợ nần ở một số quán trên địa bàn.

H. thường chơi các game cảm giác mạnh như bắt cóc, trinh thám. Đối tượng này nghĩ ra việc bắt cóc và giấu cháu Đ. Trong lúc mọi người đi tìm bé trai, H. sẽ giả vờ tìm thấy, giải cứu để lập công.

Khi gia đình tổ chức tìm kiếm cháu bé thì H. hoảng sợ, không dám thực hiện tiếp ý đồ của mình, bỏ mặc nạn nhân trong căn nhà hoang. Màn kịch kiểu "game" của H. đã dẫn đến cái chết thương tâm cho bé trai 5 tuổi.

Bắt cóc, giả anh hùng khiến bé 5 tuổi tử vong: Lại thêm nỗi đau vì nghiện game! - Ảnh 1.

Bé trai 5 tuổi qua đời vì hành động của một con nghiện game

Để phục vụ công tác điều tra, ngoài nam sinh Đ.N.H một nam sinh khác học cùng lớp cũng đã được công an triệu tập. Tại địa phương, gia đình bé trai 5 tuổi sống cách nhà Đ.N.H khoảng 300 m, thường ngày nạn nhân vẫn hay sang nhà của nam sinh để chơi. Cháu Đ. là con trai út trong gia đình có 3 chị em (trên có 2 chị gái), hoàn cảnh gia đình cũng khá khó khăn.

Theo giáo viên chủ nhiệm của Đ.N.H., ở trường nam sinh này khá hòa đồng, không có biểu hiện của học sinh cá biệt. 2 ngày qua, nam sinh H. vẫn đến trường học bình thường. Vì là người tiếp xúc cuối cùng trước khi cháu Đ. mất tích nên người nhà cháu bé và cơ quan công an đã tiếp cận H. để hỏi thông tin và xác minh vụ việc. Nam sinh này có kể, chiều 7/6 cháu Đ. có đến chơi với H. Sau đó lấy xe chở bé V.Đ đi ra ngoài đường. Nhưng khi đến cổng trường tiểu học Quỳnh Tam thì cháu Đ. đòi xuống để tự đi chơi. H sau đó thả cháu bé xuống và tiếp tục đi vì có việc riêng. H. nói từ đó không biết gì về cháu Đ nữa.

Khi nam sinh đến trường, giáo viên chủ nhiệm có gọi H. ra tâm sự để xem em có khúc mắc gì không, đồng thời hỏi thêm về cháu bé 5 tuổi đang mất tích chưa tìm thấy, H dù phủ nhận sự liên quan nhưng lại bật khóc.

Sự hối hận lúc này đã là quá muộn...

Hàng loạt án mạng rúng động xã hội vì những con nghiện game

Vụ cháu Đ. tử vong vừa qua chỉ là 1 trong rất nhiều vụ án mạng gây sửng sốt mà hung thủ là những con nghiện game.

Năm 2018, 5 nạn nhân tử vong tại 5 vị trí khác nhau trong căn nhà 1 trệt, 1 gác gỗ nằm trong hẻm 131, đường số 7, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, được phát hiện chiều 30 tết. Năm nay dường như cả hẻm không còn Tết. Khung cảnh hiện trường không khác mấy những gì thường thấy trong trò chơi điện tử, game bạo lực. Và quả thật, nghi can cũng nghiện game nặng...

Bắt cóc, giả anh hùng khiến bé 5 tuổi tử vong: Lại thêm nỗi đau vì nghiện game! - Ảnh 2.

Sau 27 giờ truy xét, các đơn vị chức năng đã bắt được hung thủ Nguyễn Hữu Tình.

Tại cơ quan điều tra, nghi phạm tên Tình, 18 tuổi đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nguyên nhân dẫn đến hành động tội ác là do thù tức gia đình ông Chinh. Cơ sở của ông Chinh có Tình và 2 nhân công khác cùng quê với vợ chồng ông Chinh vào làm.

Theo Tình khai, vợ chồng ông Chinh tỏ ra ưu ái 2 người làm công cùng quê, riêng Tình thì bà Hồng ghét ra mặt do hay đi chơi game về khuya. Bị bà Hồng chửi, đánh, Tình uất ức và nuôi ý định trả thù.

Việc Tình gây án một cách manh động, không gớm tay, ngoài tâm lý bị tác động bởi điều kiện sống, sinh hoạt, va chạm... thì còn có thể xuất phát từ việc Tình bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh bạo lực trong các game bắn giết mà hằng đêm Tình vẫn ngồi để “cày”.

Năm 2017, hai người bạn Thành và Quang (14 tuổi, trú phường Long Sơn, phường Mũi Né (TP Phan Thiết) ngồi chơi game tại tiệm internet Thiên Đường thuộc phường Long Sơn thì xảy ra mâu thuẫn, xô xát.

Bất ngờ lúc này, Quang rút dao đâm vào ngực trái của Thành khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Ngay sau khi gây án, Quang bỏ chạy về nhà và được gia đình vận động đến cơ quan Công an đầu thú. Được biết, cả Quang và nạn nhân đều đã nghỉ học, làm lao động trên biển và ở cùng phường Long Sơn.

Năm 2013, thêm một vụ việc đau lòng nữa tại tỉnh Phú Yên khi cháu ngoại giết ông để lấy tiền chơi game. Ông Tư bị đứa cháu ngoại là Võ Nguyễn Khánh Hòa giết để lấy 3 triệu đồng chơi game. Hòa bị bắt khi còn 3 tháng nữa mới đủ 18 tuổi.

Dẫu biết con nghiện game từ 4 năm nay, nhưng ông Võ Xuân Cảnh không bao giờ nghĩ rằng con trai mình đã gây chuyện tày trời.

"Cũng biết nó chơi game, nó mê game lắm nhưng không ai nghĩ nó giết ông lấy tiền chơi game", ông Võ Xuân Cảnh nói.

Game không xấu nhưng nghiện game sẽ phá hủy tương lai

Tình trạng nghiện game đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt trong độ tuổi học sinh, sinh viên Việt Nam. Đây không phải là câu chuyện của riêng quốc gia nào.

Nằm cũng mơ về game, ngồi cũng nghĩ về game, sau 2 năm chơi game, từ một học sinh bình thường, em N.T.T - Trường nội trú IVS quận 12, TP.HCM giờ chỉ biết nhốt mình trong một góc. Với em, giờ đến giao tiếp cũng khó huống chi là chăm sóc bản thân mình. Không chỉ riêng em T. mà rất nhiều trẻ em bị dở dang tương lai chỉ vì nghiện game.

Bắt cóc, giả anh hùng khiến bé 5 tuổi tử vong: Lại thêm nỗi đau vì nghiện game! - Ảnh 3.

Khảo sát nhanh, hiện nay cứ 100 bạn trẻ thì có đến 70 bạn chơi game. Rõ ràng, chơi game ở mức độ giải trí và được kiểm soát tốt thì không vấn đề gì. Song để rơi vào chứng nghiện game thì đúng là vô cùng tai hại. Hiện nay, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam rất đáng báo động vì trẻ em có điều kiện tiếp xúc với điện thoại, máy tính từ sớm.

Nghiện game gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng về tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ. Trong hướng dẫn phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện chơi game được ghi nhận là bệnh tâm thần.

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Rối loạn do hành vi gây nghiện là hội chứng lâm sàng gắn với sự đau khổ hoặc ảnh hướng tới chức năng của cá nhân gây ra do hậu quả của các hành vi thỏa mãn và lặp đi lặp lại. Ở phiên bản phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, nghiện game nằm trong các rối loạn do hành vi gây nghiện. Hiện nay nghiện game là một bệnh mới. Sự thay đổi này phản ánh sự thay đổi của xã hội - sự ra đời và sự phổ biến của chơi game và các báo cáo về rối loạn do hành vi gây nghiện, bao gồm cả online và offline.

Game vốn dĩ không xấu nhưng chơi game không đúng cách và lạm dụng nó sẽ gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Có những em học sinh tuổi còn rất nhỏ đã trở thành tội phạm giết người, cướp của, tất cả chỉ vì game, như vụ việc đáng tiếc tại Nghệ An là một ví dụ.

Thực tế cũng có trò chơi điện tử được dùng làm phương tiện giáo dục và giải trí hấp dẫn. Tuy nhiên, rõ ràng, nhiều trò chơi có tác hại lâu dài đến sức khỏe tâm thần và hành vi của thanh thiếu niên. Do đó, ngăn ngừa việc chơi game đến mất kiểm soát và phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để tạo ra môi trường sức khỏe lành mạnh, dự phòng sớm các hậu quả của nghiện game là việc làm cần thiết.

Để phòng tránh nghiện game, ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến nghị tới các bậc cha mẹ:

- Khống chế thời gian chơi: Nếu trẻ em nhà bạn chơi game quá nhiều bạn cần khống chế thời gian chơi.

- Hoạt động thay thế: Cho trẻ tham gia các hoạt động khác thay vì chơi game.

- Hoạt động ngoài trời: Khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động ngoài trời và chơi với bạn bè.

- Phần thưởng: Làm cho trẻ có được quyền chơi game khi hoàn thành việc gì đó.

- Trao đổi: Cách tốt nhất phòng tránh trẻ nghiện game là nói với nó một cách trực tiếp. Giải thích cho con bạn hậu quả xấu của nghiện game.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước