Tiếp tục thông tin về vụ việc Hợp tác xã Tuy Lai thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội cắm biển không cho máy gặt xuống đồng gặt lúa vì người dân nợ tiền phí dịch vụ nông nghiệp, trong quá trình làm việc của phóng viên VTV với người dân và lãnh đạo hợp tác xã, nhiều dấu hiệu bất thường trong việc thu khoản tiền này đã được hé lộ.
Gia đình bà Phùng Thị Nghê (xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong số những hộ được yêu cầu nộp phí cung ứng dịch vụ với số lượng 7.357kg thóc, tương ứng với số tiền khoảng gần 5 triệu đồng. Lo sợ bị hợp tác xã cắm biển không cho gặt lúa, bà Nghê vét hết tiền trong nhà mới được 2 triệu đồng đem ra nộp tạm. Thế nhưng sau khi nộp tiền xong cũng không có biên lai hay phiếu thu mà chỉ được phát cho một tờ giấy viết tay nguệch ngoạc.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp đều phải được thực hiện bằng hình thức ký hợp đồng với mỗi hộ dân trước mỗi mùa vụ. Tuy nhiên, hơn 3.000 hộ dân tại xã Tuy Lai chưa từng có một hộ nào được ký hợp đồng, số tiền nộp sau mỗi vụ lên đến hàng triệu đồng, nhưng cũng không ai có biên lai thu tiền.
Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên VTV, thông tin do Giám đốc Hợp tác xã Tuy Lai cung cấp lại hoàn toàn trái ngược với những gì người dân phản ánh.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Hợp tác xã có ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các hộ dân không?
Ông Đinh Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Tuy Lai khẳng định: "Có chứ! Từng hộ, từng gia đình đang làm với hợp tác xã chúng tôi đều có đầy đủ".
Khi đề nghị được xem những bộ hợp đồng này, lãnh đạo hợp tác xã chỉ đưa ra được 1 tờ biên bản họp xã viên từ năm 2020, trong biên bản này cũng chỉ có chữ ký của chủ tọa và thư ký hội nghị.
Phóng viên hỏi thêm: "Có hợp đồng thì các anh mới có cơ sở để thu tiền người dân, thế ở đây các anh có hợp đồng cung ứng dịch vụ với các hộ dân không?"
Lúc này, ông Đinh Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Tuy Lai lại nói: "Chúng tôi không có đâu!"
Ông Đinh Văn Nghị - Phó Giám đốc Hợp tác xã Tuy Lai cho biết thêm: "Đúng luật là phải như thế nhưng chúng tôi chưa làm được chi tiết đến từng hộ!".
Không làm được hợp đồng gửi đến từng hộ dân, nhưng giấy mời đến nộp tiền không có nhà nào thiếu. Thậm chí, gửi giấy nhiều lần không được, cán bộ hợp tác xã còn đến tận nhà đòi tiền. Trước sức ép không được gặt lúa khi mùa vụ đã đến, nhiều gia đình đã bắt buộc phải nộp đủ.
Hàng loạt những vấn đề về hợp đồng cung ứng dịch vụ cũng như nguyên tắc quản lý tài chính cơ bản không được Hợp tác xã Tuy Lai thực hiện đầy đủ. Thế nhưng đơn vị này vẫn liên tục thúc ép người dân phải đóng tiền phí dịch vụ, nếu không sẽ thực hiện các biện pháp cực đoan như không cho máy gặt xuống ruộng gặt lúa.
Trong khi đó, những yêu cầu của xã viên như được ký hợp đồng cung ứng dịch vụ hay được nhận biên lai thu tiền là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Trao đổi với phóng viên VTV, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội cho biết sẽ làm việc với Hợp Tác xã Tuy Lai để làm rõ những vấn đề này.
Ngay sau khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng phóng sự về tình trạng bảo kê máy gặt kiểu mới diễn ra tại xã Tuy Lai, UBND huyện Mỹ Đức đã gửi công văn thông báo về kết quả làm việc của đoàn kiểm tra tại Hợp tác xã Tuy Lai vào sáng nay.
Quan điểm chỉ đạo của huyện Mỹ Đức là 100% diện tích lúa vụ mùa được thu hoạch kịp thời. Yêu cầu tháo bỏ biển "không phục vụ dịch vụ máy gặt" tại một số thửa ruộng của người dân, đồng thời tổ chức gặt bằng máy cho toàn bộ các hộ dân trên địa bàn. UBND huyện yêu cầu UBND xã Tuy Lai làm rõ các nội dung có liên quan và kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!