Bến Tre: Biến "cò" lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển

Quang Tuấn-Thứ bảy, ngày 15/10/2022 16:24 GMT+7

Ảnh: Quang Tuấn - Cán bộ Trạm Biên phòng kiểm tra, kiểm soát lao động biển mới được giới thiệu xuống tàu cá

VTV.vn - Tư vấn giới thiệu lao động biển có sự quản lý của nhà nước, mô hình này còn được giới hành nghề biển gọi là "Biến ‘cò’ lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển".

Ông Nguyễn Văn Đĩa ở ấp 8, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre người từng được biết đến với danh nghĩa là tay "cò" lao động biển lão luyện trong suốt 10 năm qua, nay đã trở thành ông Tổ trưởng "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" cho biết: Thời gian trước, việc tìm kiếm, môi giới việc làm diễn ra tự do, không có sự kiểm soát. Chúng tôi đều chủ động tìm kiếm nguồn lao động để môi giới cho chủ tàu cá. Nhưng thời gian gần đây, được sự vận động của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, lực lượng Công an nên anh em làm môi giới việc làm động tập trung thành "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển", xây dựng quy chế hoạt động, có sự cam kết hợp tác chặt chẽ. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, hướng dẫn cung cấp lao động đi biển một cách công khai và được hưởng mức thù lao phù hợp khoảng 500.000 đ/người.

Hiện tại, "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" đang hoạt động với tổng cộng 8 thành viên, họ đều từng là những người làm môi giới việc làm có tên tuổi trong nghề biển ở huyện Ba Tri. Trong đó, có 01 thành viên nữ là bà Phạm Thị Huyền cũng nhiều năm làm môi giới việc làm, từng chứng kiến nhiều điều không mong muốn xảy ra. Bà Huyền cho biết: Lúc trước, tôi làm độc lập nên đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lao động và đăng ký giấy tờ để lao động đi biển. Từ khi thành lập "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển", các thành viên trong tổ liên kết thống nhất cách làm và có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nên việc giới thiệu lao động cho chủ tàu có nhiều thuận lợi hơn. Từ khi thành lập đến nay, "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" đã giới thiệu cho các chủ tàu cá trên 2.000 lao động biển và mỗi Tổ viên đều có mức thu nhập ổn định, bình quân khoảng 3-5 triệu đồng/ tháng.

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 1.

Hình ảnh "Tổ hợp tác" họp định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả hoạt động

Thiếu tá Lê Văn Quí - Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Hàm Luông cho biết: "Từ khi triển khai mô hình "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" có sự tham gia hướng dẫn của nhà nước, các lực lượng đã phối hợp kiểm soát chặt chẽ hoạt động liên quan đến lao động biển, không để xảy ra tình trạng dụ dỗ, lôi kéo, giam giữ lao động, bắt buộc tham gia lao động trên biển, loại trừ lao động không có tay nghề, không còn trường hợp cố tình lừa gạt tiền ứng của chủ tàu. "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" phải đánh giá tay nghề của lao động biển thông qua kinh nghiệm hàng chục năm của mình, đồng thời cung cấp danh sách lao động cho Bộ đội Biên phòng để kiểm tra, xác minh, cập nhật theo dõi quản lý.

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 2.

Thiếu tá Lê Văn Quí - Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Hàm Luông

Theo các chủ tàu việc hành nghề đi biển, cũng như sản lượng đánh bắt sau mỗi chuyến ra khơi phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó trình độ tay nghề, kinh nghiệm lao động rất quan trọng. Do đó với mô hình "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" có sự tham gia hướng dẫn của nhà nước, sự phối hợp này giúp cho việc kiểm soát chất lượng lao động cũng đảm bảo hơn. Việc tìm kiếm thuyền viên trở lên thuận lợi hơn và chủ tàu có thể tham khảo, đánh giá năng lực của người lao động trước khi nhận xuống tàu. Như ông Đào Văn Hóa, chủ tàu cá BT93039TS ở huyện Ba Tri chia sẻ: Từ khi có "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển", chủ tàu cá không phải bôn ba tìm kiếm, mời gọi lao động bằng mọi cách như trước đây, không tốn kém các khoản kinh phí vô lý và cũng không bị mất tiền tạm ứng cho những lao động có ý định chiếm đoạt tiền tạm ứng của chủ tàu nữa, không còn cảm giác lo lắng sợ thuyền viên bỏ trốn hay gây mất an ninh trật tự trên tàu, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt hải sản.

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 3.

Ông Đào Văn Hóa, chủ tàu cá BT93039TS

Nói về mô hình hoạt động này bà Trần Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy, đồng thời cũng là tác giả tạo ra sáng kiến này cho biết: Xuất phát từ sự thiếu hụt lao động trên biển, đã xuất hiện dịch vụ mới giới lao động và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn do có sự tranh chấp, xung đột giữa thuyền viên; chủ tàu và môi giới việc làm. Trăn trở với vấn đề trên, tôi đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hàm Luông đưa ra giải pháp tập hợp các nhân sự môi giới việc làm trên địa bàn, vận động chuyển đổi và thành lập mô hình "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" có sự tham gia hướng dẫn của nhà nước. Việc thành lập và quản lý hoạt động của "Tổ tư vấn giới thiệu lao động đi biển" đã giảm đáng kể những bất cập, hạn chế những vi phạm trên lĩnh vực an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, tranh chấp dân sự,… mang lại hiệu quả cao trong vấn đề giải quyết thiếu hụt lao động biển. Vì vậy, mô hình đã được UBND huyện Ba Tri công nhận là sáng kiến kinh nghiệm và được Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre công nhận là mô hình dân vận khéo.

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 4.

Bà Trần Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

."Tiếng lành đồn xa", nhiều lao động ở địa phương khác tìm đến "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" này đều cảm thấy an tâm nhận việc, lên tàu ra khơi, khi biết rõ mọi quyền lợi của mình được đảm bảo. Điển hình như anh Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ với phóng viên VTV News: Tôi được "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" ở xã An Thủy giới thiệu cho chủ tàu theo ý muốn của mình, nên không còn sợ bị chủ tàu bắt ép, giam lỏng hoặc bị đe dọa dùng vũ lực như đã từng nghe. Trước khi xuống tàu, tôi thấy có cán bộ Biên phòng kiểm tra nhắc nhở, dặn dò nên tôi cảm thấy yên tâm.

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu đến Ba Tri, Bến Tre xin làm biển

An Thủy là xã ven biển có số lượng tàu cá lớn nhất ở tỉnh Bến Tre, với số lượng 963 tàu cá. Mỗi tàu cá cần 8-12 lao động nên xã An Thủy cần lượng lớn lao động biển khoảng 8.000 - 12.000 người. Do đó, việc cung ứng lao động đủ kinh nghiệm đi biển là rất cần thiết. Việc triển khai có hiệu quả mô hình "Tổ tư vấn giới thiệu lao động biển" đã phần nào giải quyết bài toán thiếu hụt lao động đi biển, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và giữ vững vai trò kinh tế mũi nhọn của địa phương. Việc nghiên cứu áp dụng, nhân rộng mô hình thu hút nguồn lực lao động biển này, cũng đang được tỉnh Bến Tre cùng các ngành xem xét triển khai từng bước hiệu quả hơn, nhất là những nơi tập trung lượng lớn tàu cá đánh bắt xa bờ.

Một số hình ảnh liên quan đến giới thiệu lao động đi biển:

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 6.

Cán bộ Biên phòng kiểm tra và động viên người lao động trước khi tàu rời bến

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 7.

Đưa lao động biển lên tàu đánh bắt xa bờ

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 8.

Hoàn thành nhiệm vụ giới thiệu lao động biển cho chủ tàu

Bến Tre: Biến cò lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển - Ảnh 9.

Tàu tháo neo chuẩn bị rời bến, vươn khơi bám biển


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước