Bến Tre: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động biển

Quang Tuấn-Thứ năm, ngày 13/10/2022 21:45 GMT+7

Ảnh: Quang Tuấn

VTV.vn - Thiếu hụt lao động biển là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương ven biển, chủ tàu cá luôn đối mặt với nhiều khó khăn trước tình trạng thiếu hụt lao động đi đánh bắt xa bờ.

Ông Đào Văn Hoá, 54 tuổi, một chủ tàu cá ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết: Vài năm gần đây, tàu cá làm ăn không bằng những năm trước, một phần do khan hiếm về lao động biển. Chủ tàu luôn đối mặt với tình trạng thiếu thuyền viên, khi tàu rời bến mới biết tàu mình có đủ người hay không. Nguyên nhân, nhiều người đã tạm ứng tiền của chủ tàu để tiêu xài nhưng không đi làm, có đi thì tìm cơ hội nhảy qua tàu khác để mượn tiền thêm hoặc đi một thời gian đến khi tàu vào cảng (để bán hải sản, cấp thêm nhiên liệu) thì bỏ trốn về nhà. Khi thiếu người thì tàu phải nằm bờ vài ngày để kiếm thêm thuyền viên, đủ số lượng người tối thiểu mới có thể tiếp tục ra khơi.

Bến Tre: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động biển - Ảnh 1.

Ông Đào Văn Hoá, chủ tàu cá ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tìm kiếm lao động biển.

Theo ông Tô Văn Hiện là chủ tàu cá ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, lao động biển ở địa phương không đủ nên phải thuê người nơi khác đến. Đây là một trong những khó khăn của nhiều chủ tàu cá, có nhiều trường hợp tạm ứng tiền nhưng không đi làm, chủ tàu vừa thiếu thuyền viên, vừa bị mất tiền mà không biết xử lý bằng cách nào.

Trung tá Nguyễn Văn Triều - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre cho biết: qua công tác nắm tình hình, có một số cá nhân tự ý đứng ra làm "cò" lao động để giới thiệu thuyền viên cho chủ tàu. "Cò" lao động tự ý giữ người trong thời gian chờ tàu cá vào bờ nhận người, dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh trật tự và có dấu hiệu vi phạm giữ người trái phép. Bên cạnh đó, có trường hợp người lao động bị chặn bớt một phần tiền, không được hưởng số tiền đúng công sức lao động mình bỏ ra nên dễ gây ra xung đột. Xét thấy nguy cơ gây mất an ninh trật tự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Hàm Luông phối hợp chặt chẽ với UBND xã An Thủy và lực lượng Công an để tìm ra giải pháp chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bến Tre: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động biển - Ảnh 2.

Trung tá Nguyễn Văn Triều - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre.

Ông Đặng Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết: Khai thác hải sản là kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến nay, xã An Thủy có 963 tàu cá đánh bắt xa bờ nên cần lượng lớn lao động biển. Trong những năm gần đây, ở địa phương bị thiếu hụt lao động, một số chủ tàu phải tìm đến dịch vụ môi giới lao động từ địa phương khác đến. Trong số đó, có lao động không quen với sóng gió, không đáp ứng được công việc, đã tạo thêm gánh nặng cho các thuyền viên trên biển, làm giảm hiệu quả khai thác hải sản của chủ tàu. Đây cũng là một trong những khó khăn của địa phương trong công tác quản lý và tìm biện pháp xử lý khi có tranh chấp, xung đột giữa thuyền viên; chủ tàu và "cò" lao động. 

Trước tình hình trên, UBND xã An Thủy đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an tìm ra sáng kiến, có giải pháp để ngăn chặn nguy cơ "cò" lao động dụ dỗ, lôi kéo lao động tham gia vào các cuộc chơi ăn nhậu, cờ bạc, cá độ bóng đá, tệ nạn xã hội… để lao động bị phát sinh nợ hay cho vay tiền, buộc viết giấy vay nợ để khống chế, bắt buộc đi biển làm công trả nợ.

Bến Tre: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động biển - Ảnh 3.

Ông Đặng Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Hiện tại, Bến Tre có 3.700 tàu cá, sản lượng đánh bắt khoảng 200.000 tấn hải sản/năm. Trong đó, riêng xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có gần 1.000 tàu cá, sản lượng khai thác gần 80.000 tấn/năm. Tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 CV và mỗi tàu cá cần khoảng 8 -12 lao động. Như vậy, riêng tàu cá ở xã An Thủy đã cần khoảng trên 8.000 - 12.000 lao động tham gia đánh bắt xa bờ. Trong trường hợp thiếu thuyền viên thì tàu phải nằm bờ; trường hợp không đủ thuyền viên sẽ đánh bắt ngắn ngày hơn và tốn chi phí di chuyển ra/ vào bờ; trường hợp lao động chất lượng thấp, không rành nghề biển, làm việc không đều tay sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, giảm sản lượng đánh bắt hải sản. Như vậy, thiếu hụt lao động biển là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của chủ tàu và giảm sản lượng khai thác, ảnh hưởng đến ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để khắc phục nhức nhối thiếu hụt lao động biển, đáp ứng yêu cầu công việc là vấn đề cấp bách của xã An Thủy, cũng như các địa phương ven biển.

* Đón đọc kỳ tiếp theo: Biện pháp quản lý dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc lao động biển, mô hình này còn được người trong giới hành nghề đi biển gọi là Biến "cò" lao động thành dịch vụ cung ứng lao động biển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước