Khung cảnh đìu hiu ở Bến xe Gia Lâm. Ảnh: TTXVN
Theo báo điện tử VOV, chiều 8/2, (chiều 27 Tết), nếu những năm trước, các bến xe, nhà ga, sân bay tấp nập từ sáng sớm và đa phần đến chiều phải dùng đến phương án tăng cường xe để giải tỏa hành khách, thì năm nay tình hình trái ngược.
Năm nay, do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, nhu cầu đi lại, về quê ăn Tết của người dân cũng hạn chế. Nhiều chuyến xe, đoàn tàu rời bến khi chỉ vài ba hành khách. Cũng do dịch bệnh, các bến xe ghi nhận nhiều người dân hủy vé xe khách để lựa chọn phương tiện khác để về quê ăn Tết.
Cảnh đìu hiu chưa từng thấy ở bến xe, ga tàu, sân bay
Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân hạn chế đi lại nên lượng khách qua các bến xe của Hà Nội giảm mạnh.
Đợt phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán năm nay được xây dựng bắt đầu từ ngày 1/2 (20 tháng Chạp), tới nay khách qua bến chỉ bằng 50-60% so với các ngày trước đó.
"Thậm chí, ngày 23 tháng Chạp (4/2), hay 3 ngày cuối tuần vừa qua (ngày 5/2-7/2) được kỳ vọng sẽ đông khách, nhưng thực tế các bến xe của Hà Nội còn vắng hơn ngày thường. Chúng tôi dự báo từ 27-29 tháng Chạp, khách có thể tăng trở lại, khi người dân chính thức nghỉ Tết" - ông Nguyên Anh Toàn cho hay.
Khung cảnh vắng vẻ nơi sảnh chờ bến xe Giáp Bát. Ảnh: TTXVN
Thi thoảng có 1, 2 khách vào cửa bến xe Giáp Bát với khẩu trang kín mít để lên xe về quê. Ảnh: VOV
Ghi nhận tại bến xe Giáp Bát, các chuyến xe xuất bến tại đây rất ít, mỗi xe có khoảng vài ba khách. Một nhân viên trực tại bến xe cho biết, lượng khách trong ngày hôm nay rất vắng, thậm chí không bằng những ngày thường trước khi xảy ra bùng phát dịch tại các địa phương. Trong quầy bán vé, lác đác vài người dân khẩu trang kín mít vào mua vé rồi ngồi đợi xe. Nhân viên quầy bán vé thong dong ngồi chờ khách.
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách về bến cũng không đông hơn các bến khác. Giám đốc bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết, chưa năm nào thấy cảnh bến xe gần Tết mà đìu hiu đến vậy.
Những quầy vé hầu như thưa vắng khách, một hiện tượng "bất thường" tại các bến xe ở Hà Nội ngày cận Tết. Ảnh: VOV
"Nếu ngày thường, bến đón đưa khoảng 6.000-8.000 hành khách/ngày, thì nay ngày cao điểm Tết, chỉ có khoảng 3.000-4.000 khách/ngày, thậm chí, có ngày còn ít hơn. Số xe xuất bến cũng chỉ đạt tới 40-50%", ông Sơn cho biết.
Theo ghi nhận của TTXVN, tại bến xe Gia Lâm, lượng khách về bến cũng không đông hơn các bến khác. Ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc bến xe Gia Lâm chia sẻ, do tuyến Quảng Ninh và Hải Dương bị tạm dừng vận chuyển (khoảng 150 chuyến mỗi ngày) đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách tới bến. Chính vì vậy, bến Gia Lâm những ngày này chỉ có khoảng 50% lượng khách so với trước khi bùng phát dịch.
Những chuyến xe xuất bến với lác đác 1, 2 khách, lái xe gọi vui là "chở gió". Ảnh: VOV
Còn tại bến xe Yên Nghĩa, tình hình khách còn vắng vẻ hơn, lượng xe về bến thưa thớt. Ông Đinh Xuân Trường, Trưởng bến xe Yên Nghĩa cho biết, lượng khách giảm mạnh do người dân tâm lý ngại di chuyển vì dịch COVID-19. Ban giám đốc đã phải họp để bàn tháo gỡ khó khăn do không đủ chi phí trả người lao động. Vì thế, bến đã phải cho nhân viên nghỉ luân phiên một tháng mỗi người 4 công lao động.
Với đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, những ngày qua lượng khách trả vé rất nhiều, đặc biệt chiều cao điểm từ Nam ra Bắc trước Tết và Bắc vào Nam sau Tết.
Ngoài lo ngại dịch bệnh, việc nhiều địa phương áp dụng biện pháp cách ly tại nhà không ít hành khách lựa chọn ở lại thay vì về quê đón Tết.
Ga Hà Nội buồn hiu hắt trong chiều 27 Tết. Ảnh: VOV
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, dịch COVID-19 bùng phát khiến lượng khách đi tàu giảm mạnh, khách trả vé tăng cao. Các đoàn tàu dù có sức chở 500 khách nhưng những ngày qua chỉ lấp đầy khoảng 30-50%. Trong số 200.000 vé tàu Tết bán ra, đã có khoảng 50% khách đề nghị hoàn trả vé.
Do khách đi tàu giảm, đường sắt phải cắt một số tàu dịp Tết, như hủy 3/5 đoàn tàu chặng Hà Nội - Hải Phòng; hủy tàu Hà Nội - Lào Cai; hủy 2 đôi tàu Hà Nội - Vinh; hủy 6 đoàn tàu trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Nếu khách tăng trở lại, các đoàn tàu này sẽ được nối lại để phục vụ người dân. Khách trên các đoàn tàu bị hủy được đổi sang các đoàn tàu còn hoạt động, hoặc trả lại tiền vé.
Để kích cầu đi lại bằng đường sắt, chiều 8/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai chương trình khuyến mại vé. Theo đó, trong các ngày từ 9/2 đến 28/2/2021, ngành tiếp tục giảm tới 30% giá vé đối với tất cả các đoàn tàu Thống Nhất của đường sắt Việt Nam.
Hàng không "ngắc ngoải"
Với hàng không, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) cho biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, đầu tuần trước hãng đã ghi nhận lượng khách hoàn, đổi vé tăng đột biến nhưng tình hình đã được cải thiện trong ít ngày gần đây.
Thậm chí, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, số ca mắc giảm dần, không chỉ khách hoàn, đổi vé giảm, nhiều người đã quay trở lại đặt vé Tết. Nhờ đó, tỷ lệ lấp đầy ghế một số chuyến bay ngày cao điểm (từ 24 tháng Chạp trở đi) đã được cải thiện, đạt từ 80% trở lên, như chặng TP Hồ Chí Minh - Vinh, Thanh Hóa, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột; Hà Nội - Đồng Hới/Huế/Nha Trang/Phú Quốc…
Cửa ra tàu bay ở sân bay Nội Bài ngày 27 Tết vắng lặng khác thường. Ảnh: VOV
Theo báo điện tử Vietnamnet, đại diện một hãng hàng không cho biết, có khá đông hành khách yêu cầu được trả hoặc bảo lưu vé trước diễn biến dịch bệnh lan rộng ở các địa phương, nhất là sau khi phát hiện các nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất dương tính với COVID-19.
"Khách trả lại vé, hãng thiệt hại nặng, nhưng trong điều kiện hiện tại, hành khách không có nhiều lựa chọn. Do vậy, hãng đã đưa chính sách đổi hoặc bảo lưu vé để đảm bảo quyền lợi cho khách", đại diện một hãng hàng không cho biết.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, hiện tại sân bay khá vắng. Hành khách có chiều đi từ sân bay giảm hẳn, chủ yếu là khách chiều từ TP Hồ Chí Minh bay ra. Ước tính lượng khách giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu từ Cục Hàng không cũng cho thấy, khách đang tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn kế hoạch. Từ 1/2 tới nay, ngày bay ít nhất được ghi nhận là 3/2 (tức 22 tháng Chạp), chỉ có 524 chuyến bay được thực hiện, giảm tới 385 chuyến so với kế hoạch và giảm 20% so với cùng kỳ Tết năm trước.
Các ngày sau đó lượng khách đã tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn kế hoạch. Cụ thể, tới ngày 6/2 (tức 25 Tết), số chuyến bay khai thác tăng lên 746 chuyến, với số khách hơn 100.000 người.
Phải lưu trữ thông tin hành khách đi xe tối thiểu 21 ngày
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, hiện các doanh nghiệp vận tải đều tăng cường giải pháp phòng, chống dịch như: Tất cả hành khách đi tàu, xe đều được lập danh sách để phục vụ truy vết (nếu cần); khách bắt buộc phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách; phương tiện được khử trùng vào cuối ngày; nhiệt độ trên phương tiện được duy trì từ 26 độ trở lên để phòng tránh lây nhiễm COVID-19.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn thành phố phải lưu trữ đầy đủ thông tin hành khách (do các đơn vị vận tải cung cấp) tối thiểu 21 ngày để phục vụ công tác truy vết nếu có ca mắc COVID-19.
Các bến xe phải chủ động hướng dẫn các đơn vị vận tải, nhà xe, hành khách thực hiện nghiêm việc khai báo y tế qua các ứng dụng Smart phone như Bluezone. Đặc biệt, các bến xe phải lưu trữ đầy đủ thông tin hành khách do các đơn vị vận tải cung cấp (tối thiểu 21 ngày) phục vụ công tác truy vết hành khách, tuyệt đối không đón khách tại khu vực dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!