Sau gần 3 năm thực hiện tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt - thiếu trang thiết bị y tế trầm trọng về chẩn đoán hình ảnh, thiết bị chuyên ngành ung bướu và y học hạt nhân.
Riêng với chẩn đoán tiêu hóa, hàng ngày có 800 - 1.000 bệnh nhân có chỉ định nội soi nhưng chỉ đáp ứng khoảng 50 - 70%, do hệ thống đã xuống cấp.
Trang thiết bị thiếu thốn, thu không đủ bù chi, điều này dẫn đến thu nhập của cán bộ nhân viên y tế giảm. Hơn 100 cán bộ chuyên môn giỏi của bệnh viện, nhiều bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn giỏi dịch chuyển sang hệ thống tư nhân.
Một trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện Bạch Mai hiện đang không còn được sử dụng nhưng Bệnh viện vẫn phải bật điều hòa suốt ngày đêm để bảo quản. (Ảnh: Thái Bình/SKĐS)
Với việc chuyển sang thực hiện tự chủ chi tiêu thường xuyên theo Nghị định 60 của Chính phủ sẽ giúp bệnh viện được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không phải đóng thuế đất hàng năm.
Theo đại diện các bệnh viện, chủ trương tự chủ bệnh viện là đúng và điều này sẽ giúp ngành y tế đảm bảo nguồn kinh phí để phát triển. Nhưng để các bệnh viện thực hiện tự chủ một phần, thường xuyên hay toàn diện thì cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết gỡ khó việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Đây sẽ là cơ sở, căn cứ pháp lý để các cơ sở y tế thực hiện việc huy động các nguồn lực trong công tác khám chữa bệnh và tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện đang thực hiện tự chủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!