Bình Dương đang áp dụng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng trong đó ở tầng 3 - tầng hồi sức cho bệnh nhân nặng, nguy kịch. Bình Dương đang có khoảng 715 bệnh nhân chuyển nặng trong khi đó thì tổng số giường hồi sức của Bình Dương trước đây là 400 giường.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "Bệnh viện tầng 3 của chúng ta hiện nay còn rất yếu, thiếu trang thiết bị con người thuốc men và vật tư tiêu hao. Chính vì vậy, quyết tâm của Tỉnh ủy cũng như đoàn công tác của Bộ y tế là chúng tôi sớm triển khai bệnh viện tầng 3 để giảm tải cho bệnh nhân tầng 2 vượt khả năng điều trị".
Bình Dương đã đưa vào sử dụng trung tâm hồi sức cấp cứu Becamex với quy mô 437 giường với trang thiết bị hiện tại để điều trị cho các bệnh nhân nặng. Như vậy, đã có 837 giường hồi sức để đáp ứng điều trị cho 715 bệnh nhân nặng ở tầng 3 tuy nhiên áp lực còn lớn nếu số ca mắc COVID-19 ở tầng 2 chuyển nặng. Bình Dương đang có 2.727 ca có triệu chứng, 1.197 bệnh nhân có bệnh nền. Làm thế nào để để điều phối từ các tầng dưới lên tầng cao không quá sớm và quá muộn.
Số ca mắc COVID-19 tại Bình dương vẫn tăng nhanh do đã tăng tốc trong việc xét nghiệm diện rộng để tách F0 ra cộng đồng. Tuy nhiên cũng cho thấy mức độ lây nhiễm nhanh tại một số khu vực. Nguyên nhân được cho khu vực này có số lượng lớn công nhân, nhà trọ. Việc làm sạch F0 khu vực này cũng như các khu vực nguy cơ cao đang được ưu tiên. Các kịch bản cho số ca tăng nhanh cũng đã được ngành y tế chuẩn bị.
TS Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết: "Trong trường hợp khẩn cấp, Bình Dương đã có kế hoạch đưa số giường điều trị lên trên 30.000, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh trong tỉnh, tất nhiên khi đó nhân lực ngành y tế sẽ phải cần sự chi viện tiếp từ Bộ Y tế và cả nước".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!