Bình Dương thành lập 2 bệnh viện dã chiến, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ"

TTXVN-Thứ bảy, ngày 17/07/2021 06:00 GMT+7

Không khí sản xuất bên trong nhà máy Gunzetal Việt Nam vẫn diễn ra nhịp nhàng, đúng quy cũ, ổn định

VTV.vn - Đây là giải pháp cấp bách trước tình hình diễn biến rất phức tạp, hàng chục ổ dịch lây lan rất khó kiểm soát và dự báo những ngày tới số ca mắc vẫn còn cao.

Tối 16/7, UBND tỉnh Bình Dương thông tin về việc quyết định thành lập 2 hai bệnh viện dã chiến quy mô 3.000 giường do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) là đơn vị hỗ trợ xây dựng.

Bệnh viện dã chiến số 1 xây dựng tại cơ sở Trung tâm Thương mại Thế giới trên đường Hùng Vương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, quy mô 1.500 giường.

Bệnh viện dã chiến thứ 2 xây dựng tại cơ sở Khu xưởng khởi nghiệp sinh viên, thuộc khuôn viên Trường Đại học Quốc tế miền Đông tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, cũng quy mô 1.500 giường.

Trong đợt dịch này, Bình Dương đã ghi nhận 2.175 ca mắc COVID-19. Hiện dịch đã xâm nhập vào rất nhiều công ty, xí nghiệp và khu nhà trọ. Theo đánh giá của ngành y tế, tình hình diễn biến rất phức tạp, hàng chục ổ dịch lây lan rất khó kiểm soát. Dự báo những ngày tới số ca mắc vẫn còn cao.

Cũng trong ngày 16/7, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương phát văn bản hỏa tốc yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch tại nhà máy sản xuất với hai phương án "3 tại chỗ" và phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" mới được duy trì hoạt động sản xuất trong mùa dịch.

Phương án "3 tại chỗ" là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ. Phương án "1 cung đường 2 địa điểm" là một tuyến đường đi cố định, 2 địa điểm gồm một nơi là khách sạn, ký túc xá, chỗ ở tập trung công nhân và một nơi là nhà máy sản xuất. Doanh nghiệp có trách nhiệm đưa đón công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc bằng phương tiện tập trung...

Phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Trung cho biết, đơn vị đã ban hành công văn hướng dẫn sản xuất của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đăng ký sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ).

Sau công văn này, đã có 95 doanh nghiệp đăng ký sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" với hơn 13.200 công nhân ở lại sản xuất, thực hiện tốt mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế". Các doanh nghiệp không có phương án " 3 tại chỗ" được yêu cầu thực hiện phương án "1 cung đường, 2 địa điểm".

Các doanh nghiệp không thực hiện 1 trong 2 phương án trên thì yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ 0h ngày 19/7 (kể cả doanh nghiệp logistic và kinh doanh kho bãi) cho đến khi có thông báo mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước