Bình yên trở lại sau 1 năm vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 10/06/2024 20:47 GMT+7

VTV.vn - 1 năm sau vụ tấn công khủng bố ở Đắk Lắk, với sự quan tâm của chính quyền, sự đoàn kết của mỗi người dân, buôn làng Tây Nguyên nay đã có cuộc sống bình yên trở lại.

Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Ktur, một trong 2 địa điểm bị tấn công ngày 11/6/2023 nay đã mang diện mạo mới, không còn dấu vết của vụ khủng bố. Hoạt động hành chính diễn ra bình thường, cán bộ chiến sĩ bị tấn công trong vụ việc cũng đã trở lại với nhiệm vụ.

Bình yên trở lại sau 1 năm vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk - Ảnh 1.

Trụ sở ủy ban nhân dân xã Ea Ktur.

"Ký ức của mình không thể quên buổi tối đó. Căn phòng đã cải tạo mới rồi nhưng bước vào thì vẫn nhớ khung cảnh xảy ra, hình dung trong đầu khoảnh khắc đó vẫn ám ảnh", Đại úy Lê Kiên Cường, chiến sĩ Công an bị tấn công trong vụ khủng bố ngày 11/6/2023 chia sẻ.

1 năm trước, tin theo những lời kích động, xúi giục của các đối tượng chống phá nhà nước, gần 100 người đã tham gia tấn công, đập phá, giết người tại trụ sở 2 UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Vụ khủng bố với mưu đồ thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên.

Bình yên trở lại sau 1 năm vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk - Ảnh 2.

Bất chấp những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, cùng nỗi ám ảnh kinh hoàng mà vụ tấn công khủng bố gây ra cho người dân, gần đây, một số tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam lại cho rằng, việc xét xử các đối tượng tham gia vụ khủng bố là mượn cớ để "bắt giữ, buộc tội, kết án 100 đồng bào dân tộc thiểu số". Đây là những luận điệu vu cáo phi lý mà chính những người dân tại xã Ea Tiêu đã lên tiếng phủ nhận.

Bà Ami Bâng, buôn Kram, xã Ea Tiêu, Cư Kuin, Đắk Lắk nói: "Giết bao nhiêu người cả cán bộ, cả người dân thường, rất man rợ, đau thương toàn dân. Cơ quan pháp luật xử như thế tôi thấy hợp lý, đồng bào rất là ủng hộ".

Các bị cáo đã nhận mức án do tội lỗi mình gây ra. Thế nhưng, trong báo cáo mới đây của Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ lại quy kết rằng Việt Nam lợi dụng vụ việc này để mở rộng đàn áp cộng đồng Thiên Chúa giáo người Thượng ở Tây Nguyên. Đây là những điều hoàn toàn sai sự thật.

Mục sư Y Phong Niê, Quản nhiệm Chi hội Tin lành Buôn Ê bung, xã Ea Tiêu, Cư Kuin, Đắk Lắk khẳng định: "Không có sự đàn áp, không có sự cản trở công việc sinh hoạt tôn giáo hay bà con làm ăn phát triển kinh tế".

Tháng 6 này, hơn 5.000 tín đồ chi hội Tin Lành ở xã Ea Tiêu còn đón nhận một niềm vui lớn, khi có thêm cơ sở sinh hoạt tôn giáo mới. Vụ khủng bố 1 năm trước không thể chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cũng như những luận điệu thiếu thiện chí về Việt Nam sẽ không thể phá vỡ sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền để xây dựng Tây Nguyên ổn định và giàu đẹp.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước