Bộ trưởng Bộ Y tế: Phòng chống dịch vẫn phải coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 06/02/2022 20:44 GMT+7

VTV.vn - Trong năm 2022, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và đảm bảo biện pháp phòng chống dịch đáp ứng với mọi tình huống.

Năm 2021 là một năm thách thức, khó khăn nhất trong lịch sử đối với Bộ và ngành y tế trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bằng nỗ lực của toàn ngành đã triển khai thành công Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. Liên tục thay đổi biện pháp phòng, chống dịch đáp ứng với mọi tình huống.

Trong năm 2022, Bộ Y tế đã có những thay đổi gì trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 và đưa ra những kiến nghị gì để nâng cao đời sống của nhân viên trong ngành y tế? Phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn đầu xuân với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thưa Bộ trưởng, trong năm 2022, ngành y tế có những thay đổi gì trong chiến lược phòng chống dịch?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các chuyên gia, đại dịch COVID-19 không thể chấm dứt được trước năm 2023. Vì vậy, đối với Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn phải coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng. Đối với toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai tất cả các biện pháp về phòng chống dịch COVID-19. Chiến lược của chúng ta vẫn thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đáp ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với COVID-19 trong đó tập trung một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng tốc độ bao phủ vaccine nhất là vaccine mũi 3. Chuẩn bị kế hoạch và triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chúng tôi đã có trao đổi chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới, đến thời điểm hiện nay, đã có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo dõi sát tình hình vaccine nào để tiêm cho trẻ, những phản ứng có thể gây ra với trẻ. Chúng ta vẫn phải triển khai những biện pháp về mặt y tế công cộng như 5K trong đó đeo khẩu trang là một trong những giải pháp rất quan trọng.

Tăng cường năng lực hệ thống y tế nhất là đối với năng lực ứng phó đối với những ca bệnh diễn biến nhanh, những ca tăng nặng để làm sao đáp ứng được hệ thống y tế cho mọi bối cảnh, hoàn cảnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Phòng chống dịch vẫn phải coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu - Ảnh 1.

Có thể thấy trong 2 năm qua, nhân viên y tế đã có những nỗ lực, hy sinh trong phòng chống dịch. Tuy nhiên chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ có kiến nghị, đề xuất như thế nào đặc biệt đối với y tế cơ sở để họ có thể yên tâm công tác?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Những tác động của dịch đối với ngành y tế có thể nói tác động rất sâu rộng và ảnh hưởng kể cả vấn đề thu nhập, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã trình chính phủ những chính sách có thể tăng mức phụ cấp đối với cán bộ y tế khi đi vào những vùng tâm dịch, vùng dịch, trong vấn đề phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, vấn đề về đãi ngộ lâu dài, chính sách lâu dài là vấn đề hết sức quan trọng. Trên tinh thần đó, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành báo cáo cấp thẩm quyền để từ đó có chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở và nâng mức phụ cấp của cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở lên 100%. Năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới về tài chính y tế trong đó sẽ có những cơ cấu về mặt tài chính tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở để làm sao ngoài chế độ lương, phụ cấp, cán bộ có những thu nhập thêm.

Chủ đề Chính phủ đưa ra trong năm 2022 có đoàn kết, kỷ cương vậy ngành y tế sẽ thực hiện điều này như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Ngành y tế đã bộc lộ những điểm yếu trong vấn đề quản lý cũng như trong triển khai thực hiện những nhiệm vụ về phòng chống dịch. Điều này cũng được Chính phủ báo cáo với Quốc hội và trên cơ sở đó, chúng tôi tập trung vào vấn đề xây dựng luật pháp, trình những dự thảo luật đối với Quốc hội như luật khám chữa bệnh sửa đổi, luật BHYT sửa đổi, luật dược sửa đổi và luật trang thiết bị y tế sửa đổi là những vấn đề chúng tôi đang tập trung xây dựng.

Tiếp tục hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cũng như tăng cường quản lý của ngành. Siết chặt kỷ cương, tăng cường cho vấn đề cấp phép, đấu thầu, mua sắm đối với tất cả trang thiết bị vật tư, thuốc men phục vụ người bệnh, đảm bảo vấn đề công khai, minh bạch đúng theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm mọi lợi ích nhóm, tiêu cực trong mua sắm, đấu thầu. Tăng cường giáo dục về mặt chính trị, tư tưởng, nhận thức cũng như xây dựng cơ chế để đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả đối với hoạt động của ngành.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước